Đây được cho là biện pháp hòa giải đầu tiên của Mỹ, trong bối cảnh quan chức cấp cao hai nước có các cuộc tiếp xúc đầu tiên kể từ sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nối lại đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP). |
Danh sách các sản phẩm được miễn thuế lần này bao gồm một số thiết bị y tế và các sản phẩm tụ điện chính mà các công ty của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Các sản phẩm của Trung Quốc sẽ không phải chịu mức thuế 25% mà Mỹ áp đặt đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 6/7/2018. Việc miễn trừ có hiệu lực một năm, tính từ ngày 9/7.
Nhằm hỗ trợ cho một số công ty Mỹ bị ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại, nhưng đây cũng được xem là một trong những biện pháp “hòa giải” trong cuộc chiến giữa hai nước vốn tác động tới các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây thiệt hại hàng tỉ đôla Mỹ. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, với một số thiện chí của Mỹ đưa ra gần đây như nới lỏng hạn chế với Tập đoàn Huawei, Mỹ cũng mong muốn có sự đáp lại từ phía Trung Quốc.
“Chúng tôi đã nới lỏng một số cơ chế cho các giấy phép xuất khẩu và hi vọng rằng, đổi lại Trung Quốc cũng sẽ mua nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ như nông nghiệp, công nghiệp và có thể là năng lượng. Mọi thứ chưa có cam kết gì cụ thể nhưng chúng tôi vẫn mong đợi. Hai bên đã không có mối quan hệ cân bằng thương mại từ lâu và cần phải được cải thiện”, ông Larry Kudlow nói.
Thiện chí của Mỹ đưa ra khi quan chức hai nước hôm qua (9/7) cũng có cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên sau cuộc gặp Thượng đỉnh vào tháng trước tại Nhật Bản. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có cuộc điện đàm với các đối tác Trung Quốc. Đánh giá về cuộc điện đàm, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, các cuộc thảo luận này là tích cực và hai bên đang có kế hoạch tổ chức thêm nhiều cuộc gặp. Bộ Thương mại Trung Quốc trong buổi sáng sớm 10/7 cũng xác nhận về cuộc điện đàm và cho biết hai bên đang trao đổi quan điểm về việc thực hiện các vấn đề đã đạt được đồng thuận tại Nhật Bản.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản vào cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Trump đã đồng ý đình chỉ áp thuế quan mới đối với lượng hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD và hai bên sẽ nối lại đàm phán. Đánh dấu cuộc đối thoại thương mại cấp cao đầu tiên sau 2 tháng đình trệ và thiện chí hòa giải được đưa ra, nhưng giới chuyên gia nhận định, vẫn không có dấu hiệu hai bên thu hẹp được bất đồng.
Các nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán cho rằng, kể cả cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua cũng không đạt được gì nhiều trong việc giúp các nhà đàm phán giải quyết bế tắc đã khiến tiến trình đối thoại đổ vỡ vào tháng 5 vừa qua.
Tổng thống Trump đã nêu vấn đề yêu cầu Trung Quốc mua nông sản Mỹ 2 lần trong cuộc gặp, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nhất trí cân nhắc mua trong bối cảnh có một thỏa thuận cuối cùng. Việc mua thêm nông sản, vốn được đánh giá là nhượng bộ dễ dàng nhất của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên với khẳng định “chưa vội để đưa ra cam kết” cho thấy cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc, báo hiệu các cuộc đàm phán sắp tới còn khắc nghiệt hơn trước.
Dự đoán trước những khó khăn trong đàm phán, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm qua (9/7) cho rằng, Mỹ chưa đặt bất cứ cứ lịch trình nào cho các cuộc đối thoại và nhấn mạnh ưu tiên đạt được thỏa thuận phải “chất lượng” chứ không phải “tốc độ”./.