Ngày 20/11, Mỹ đã bênh vực cho quyết định công nhận tính hợp pháp của các khu định cư Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine trước phiên tranh luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích của tất cả các thành viên tại Hội đồng Bảo an, trong đó có đại diện của Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: NBC News |
Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Cherith Norman Chalet tái khẳng định quan điểm của Mỹ về các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây “về bản chất không phải là không phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời tuyên bố Mỹ vẫn giữ cam kết đối với sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình ở Trung Đông. Các đại diện của Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga đều phản đối. Duy nhất đại sứ Israel (không phải thành viên Hội đồng Bảo an nhưng được Mỹ mời dự phiên tranh luận) ủng hộ Mỹ.
Thay mặt cho các nước châu Âu, Phó đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc Jurgen Schulz tuyên bố, các khu định cư Israel cùng các hoạt động ở các vùng lãnh thổ Palestine là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế:
“Một trong những rào cản chính đối với việc dàn xếp chính trị cho cuộc xung đột Israel-Palestine vẫn là sự chiếm đóng của Israel và các hoạt động định cư tiếp diễn trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng từ năm 1967. Chúng tôi tái khẳng định quan điểm các hoạt động định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ Palextin là trái phép theo luật pháp quốc tế và làm hủy hoại triển vọng về 1 giải pháp 2 nhà nước”.
Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour cũng nhấn mạnh: "Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đưa ra tuyên bố sai trái về các khu định cư Israel nhằm phá hoại mọi cơ hội để đạt được hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực, và cho người dân Palestine. Chúng tôi cực lực phản đối và lên án tuyên bố vô trách nhiệm đó, chúng tôi coi đó là hoàn toàn vô giá trị về mặt luật pháp, lịch sử, chính trị và đạo đức”.
Trong hàng chục năm qua, Israel theo đuổi chính sách xây dựng các khu định cư trên vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 với các nước láng giềng Arab. Cộng đồng quốc tế không công nhận tính hợp pháp của các khu định cư. Mỹ cũng duy trì chính sách phản đối các khu định cư Israel từ năm 1978 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Nhưng nay việc Mỹ thay đổi quan điểm đối với các khu định cư Israel được nhìn nhận rộng rãi là hành động bật đèn xanh cho Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.
Ngoại trưởng Luxemburg Jean Asselborn cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay, EU cần công nhận nhà nước Palestine. Theo giới quan sát, quyết định của tổng thống Donald Trump là thắng lợi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang vật lộn để duy trì quyền lực sau 2 cuộc bầu cử bất phân thắng bại kể từ đầu năm. Nhưng động thái đó cũng giáng đòn mới vào nỗ lực của Tổng thống Trump giải quyết cuộc xung đột thông qua Thỏa thuận Thế kỷ mà các cố vấn của ông soạn thảo suốt hơn 2 năm qua.
Người Palestine một lần nữa đặt vào thế bất lợi bởi, các khu định cư sẽ làm suy yếu mục tiêu thành lập nhà nước ở Bờ Tây và dải Gada với đông Jerusalem là thủ đô và khiến 1 thỏa thuận hòa bình Palestine-Israel càng thêm xa vời./.