Chính phủ và các cơ quan y tế Mỹ đang dồn sức phòng chống đại dịch Ebola sau khi một nữ y tá tại bang Texas bị nhiễm loại vius này dù đã mặc đầy đủ đồ bảo hộ.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ đang dồn mọi nguồn lực nhằm xác định nguyên nhân khiến nữ y tá gốc Việt Nina Phạm bị nhiễm bệnh, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã thành lập đội phản ứng nhanh để đối phó với Ebola.

Trong cuộc họp diễn ra hôm nay tại ngoại ô Washington DC với đại diện quân đội của 22 nước tham gia liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Tổng thống Obama kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa, trong bối cảnh mà ông cho rằng một số nước, dù có khả năng, đã không tăng cường đủ các nguồn lực chống Ebola.

Ông Obama cảnh báo, nếu không được ngăn chặn từ nguồn, dịch bệnh khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của gần 4.500 người tại Tây Phi sẽ tiếp tục đe dọa các nước riêng lẻ, nhất là khi không có nơi nào trên thế giới cách nhau quá hai chuyến bay.

Ông Obama nói: “Rõ ràng là sự lan truyền của dịch Ebola đang đe dọa trực tiếp đến người dân tất cả các nước. Chúng ta không chỉ có một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Tây Phi mà còn phải chịu cả những tác động phụ của nó, gây mất ổn định kinh tế và chính trị và có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.”

Liên quan đến tình hình dịch Ebola tại Mỹ, Tổng thống Obama khẳng định chính quyền của ông đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng bài học rút ra từ ca nhiễm bệnh của nữ y tá Nina Phạm tại Texas sẽ được áp dụng cho các bệnh viện và trung tâm y tế trên cả nước, đặc biệt là việc bảo vệ nhân viên y tế, những người đang trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Về tình hình sức khỏe của Nina Phạm, Giám đốc bệnh viên nơi cô đang điều trị cho biết các nhân viên tại đây đang nỗ lực hết mình để giúp cô chống chọi với dịch bệnh. Sáng nay, Nina Phạm đã gửi 1 thông báo, khẳng định cô vẫn khỏe và muốn cảm ơn những lời cầu chúc tốt đẹp của những người xung quanh. Nina Phạm đã được truyền máu mang kháng thể chống Ebola từ bác sĩ Mỹ Kent Brantly, người đã sống sót sau khi nhiễm loại virus này tại Liberia.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng việc Nina Phạm nhiễm virus Ebola có thể là do sai sót hoặc vi phạm quy trình phòng ngừa cần thiết, nhiều khả năng là cô đã tiếp xúc với chất dịch của một bệnh nhân Ebola, Thomas Eric Duncan, trong lúc cởi bỏ đồ bảo hộ. Bệnh nhân người Liberia này đã tử vong vào tuần trước.

Cùng ngày, Giám đốc CDC Thomas Frieden thông báo cơ quan này đã thiết lập các đội phản ứng nhanh để có thể xử lý các ca nhiễm Ebola tại Mỹ trong thời gian sớm nhất: “Đối với bất kỳ bệnh viện nào trên cả nước xác định có trường hợp nhiễm Ebola, chúng tôi sẽ điều đội phản ứng nhanh bao gồm một số chuyên gia hàng đầu thế giới đến hiện trường chỉ trong vòng vài giờ để chăm sóc và bảo vệ nhân viên y tế khỏi bị lây nhiễm."

Ông Frieden cho rằng sự cố tại Texas có thể đã được ngăn chặn nếu đội phản ứng nhanh được thành lập và có mặt tại đây ngay trong ngày đầu tiên sau khi bệnh nhân Duncan được chẩn đoán nhiễm Ebola. 

Trong khi đó, toàn bộ 48 người đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bệnh nhân trên đều chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh sau 2 tuần được theo dõi. Trên lý thuyết, thời gian ủ bệnh Ebola kéo dài tối đa 21 ngày nhưng thường thì các nạn nhân sẽ phát bệnh ngay trong vòng 2 tuần đầu./.