Giới chức y tế Mỹ hôm qua (12/10) xác nhận, vừa phát hiện trường hợp nhiễm virus Ebola thứ hai ở nước này. Mặc dù nữ y tá này đã mặc đồ bảo hộ trong nhiều lần tiếp xúc với bệnh nhân - người đã tử vong do mắc Ebola trước đó - nhưng cô vẫn bị lây virus Ebola. Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về sự lây lan của dịch Ebola trên toàn cầu.
Tiến sĩ Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, bệnh nhân là một nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở thành phố Dallas, bang Texas. Nhân viên y tế này từng điều trị cho ông Thomas Duncan, người Liberia bị nhiễm virus Ebola, đã qua đời ngày 8/10 vừa qua.
Giới chức y tế Mỹ nói rằng họ “vô cùng lo ngại” vì nhân viên y tế vừa nhiễm Ebola ở bang Texas đã tuân thủ mọi quy định an toàn khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola, mặc đồ bảo hộ đầy đủ nhưng vẫn bị mắc bệnh. Hiện cơ quan y tế Mỹ đang nỗ lực xem có xảy ra sai sót nào trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện này hay không.
Giới chức y tế bang Texas và liên bang đang lập danh sách những người từng tiếp xúc với bệnh nhân trên cũng như ông Duncan để kịp thời phát hiện các dấu hiệu lây nhiễm. Theo thông tin ban đầu, có ít nhất 10 người từng tiếp xúc trực tiếp với ông Duncan và 10 người này sau đó đã tiếp xúc với 38 người khác.
Ông Frieden -Giám đốc các Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá rủi ro nhân viên chăm sóc sức khỏe khác, bởi vì nếu một cá nhân bị nhiễm Ebola, rất có thể những người khác cũng bị nhiễm sau khi tiếp xúc. Chúng ta biết rằng, nhân viên y tá này đã chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola nhiều lần, vì vậy chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về cách thức lây nhiễm. Điều đó rất quan trọng là chúng ta có thể hiểu tốt hơn về cách lây nhiễm và ngăn chặn nó xảy ra trong tương lai.”
Thông tin về ca lây nhiễm virus thứ hai ở Mỹ được thừa nhận giữa lúc giới chức y tế Liên bang Mỹ trong vài tuần qua đã nhiều lần lên tiếng trấn an người dân về nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ebola. Trước đó, giới chức y tế Mỹ khẳng định nước này có hệ thống chăm sóc y tế và trình độ khoa học đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan của loại virus Ebola.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị chính quyền các bang thực hiện biện pháp bổ sung ngay lập tức để bảo đảm rằng hệ thống y tế Mỹ đang thực hiện đúng các quy định, đặc biệt là trong việc chăm sóc và tiếp xúc với bệnh nhân Ebola.
Trong khi đó, mặc dù chính quyền Washington đã gia tăng các biện pháp phòng ngừa, nhưng một số nghị sĩ Mỹ vẫn đề nghị đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ các nước Tây Phi do lo sợ dịch Ebola tràn sang Mỹ. Hàng trăm nhân viên quét dọn trên các khoang máy bay chở khách đã xin nghỉ việc vì lo ngại trở thành nạn nhân của loại virus đã hoành hành ở khu vực Tây Phi hơn ba tháng qua. Một ngày sau khi bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ bị chết, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người của Mỹ, bà Sylvia Burwell thừa nhận rằng tâm lý lo ngại đang gia tăng trong người dân Mỹ về nguy cơ bùng nổ dịch bệnh Ebola tại nước này.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 8/10, tổng số ca tử vong do Ebola đã lên tới 4.033 người, trong khi 8.399 ca nhiễm bệnh. Hầu hết các trường hợp đều được ghi nhận tại Liberia, Guinea và Sierre Leone. Người đứng đầu Phái bộ Liên Hợp Quốc phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), ông Anthony Banbury cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này gây ra là “nghiêm trọng chưa từng có” và “thế giới chưa từng chứng kiến sự việc nào như thế”. Ông nhấn mạnh “virus Ebola đang đi trước chúng ta”. Theo ông, dịch bệnh Ebola đang vượt xa hơn một cuộc khủng hoảng y tế khi nó tác động đến mọi tầng lớp xã hội ở các quốc gia bị ảnh hưởng như Guinea, Sierra Leone và Liberia, cướp đi mạng sống của nhiều người và phá hủy các hệ thống y tế cũng như kinh tế - xã hội.
Ông Banbury nói: “Tình hình rất nghiêm trọng. Đây thực sự là cuộc khủng hoảng, không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế mà là một khủng hoảng phức tạp. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng không chỉ gói gọn trong lĩnh vực y tế”.
Tuy nhiên, ông Banbury cũng nhấn mạnh phái bộ này đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm và vận dụng các phương pháp điều trị phù hợp nhất với các cộng đồng cũng như phân bổ nguồn lực tới những khu vực cần thiết nhất.
Hiện hầu hết các nước trên thế giới, từ Australia đến Zimbabwe từ Brazil qua Tây Ban Nha, đều đang tiến hành cô lập những người có dấu hiệu sốt hoặc trở về từ các nước có dịch Ebola./.
> > Xem thêm: Những điều đáng sợ và không đáng sợ về virus Ebola