Đây là chuyến thăm lần thứ 2 của ông Maliki tới Mỹ và diễn ra chỉ vài tuần trước ngày đánh dấu 2 năm quân đội Mỹ rút quân khỏi Iraq hồi cuối năm 2011.

Trong một thông cáo, Chính phủ Mỹ cho biết, tại cuộc gặp ngày 30/10, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa khẳng định cam kết của nước này trang bị vũ khí cho Iraq trong cuộc chiến chống al-Qaeda.

iraq_copy.jpg
Thủ tướng Nouri al-Maliki (trái) và phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh AP)

Về phần mình, Thủ tướng Maliki khẳng định, Iraq coi Mỹ là một đối tác ưu tiên đối với an ninh nước này, vốn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong 5 năm.  

“Để bảo vệ không gian và chủ quyền của Iraq, chúng tôi sẽ không ngần ngại yêu cầu những hỗ trợ cần thiết về quân sự, đặc biệt là các loại vũ khí phòng ngự. Các cuộc thảo luận giữa tôi và các quan chức Mỹ tập trung vào những thách thức mà Iraq đang phải đối mặt hiện nay, cũng như những tác động của cuộc khủng hoảng tại Iraq đối với an ninh Iraq,” ông Maliki tuyên bố.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đang có chuyến thăm Mỹ trong 3 ngày nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quân sự của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Dự kiến, ngày 1/11, ông Maliki sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo các nhà phân tích, đây là một chuyến đi không dễ dàng, bởi người Mỹ lâu nay vẫn bị coi là nguồn cơn mọi tình trạng bất ổn tại quốc gia Trung Đông này.

Một thực tế không thể phủ nhận là phân hóa tôn giáo và sắc tộc đã trầm trọng hơn rất nhiều ở Iraq sau cuộc xâm lược của người Mỹ năm 2003 và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc tranh giành, phân chia quyền lực vẫn chưa ngã ngũ.

Nghiêm trọng hơn, các chính sách mang màu sắc thế tục mở cửa cùng với xu hướng chuyên quyền của đương kim Thủ tướng Iraq đã góp phần làm gia tăng căng thẳng, bạo lực.

Đối với Mỹ, dù không muốn một lần nữa sa lầy vào một cuộc chiến tại Iraq, song với một quốc gia như Iraq, vốn được xem là trung tâm địa chính trị tại Trung Đông, thì có lẽ người Mỹ cũng không thể nhắm mắt làm ngơ.

Theo một quan chức chính quyền Mỹ, nước này muốn hỗ trợ người Iraqđấu tranh "hiệu quả và chính xác" chống lại  mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đặc biệt là “Nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq”, một chi nhánh của al-Qaeda ở khu vực phía Tây Iraq, giáp biên giới Iraq.

Ngay trước chuyến đi được xem là nhằm kích thích hợp tác an ninh giữa Mỹ và Iraq này, các Thượng nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sĩ John Mac Cain, dù chỉ trích các chính sách của Thủ tướng Maliki, song cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ tăng cường hợp tác chống khủng bố với Iraq, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin tình báo.

Trên thực tế, Iraq là một đất nước có dân cư đa dạng nhất khu vực Trung Đông và mọi cuộc xung đột trong khu vực đều có tác động đến đất nước này.

Chính tình hình bất ổn tại Iraq đã góp phần làm phức tạp thêm các cuộc xung đột trong khu vực hiện nay, đó là mối bất hòa giữa người Sunni và người Shitte hay việc người Kurd bị lôi kéo vào cuộc xung đột tại Syria.

Vì thế, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Maliki cũng có thể được xem là cơ hội tốt để Mỹ thể hiện trách nhiệm đối với việc giải quyết tình hình Iraq hiện nay và thuyết phục ông Maliki người đang rất cần sự ủng hộ của Mỹ, có thái độ hòa giải hơn nữa đối với các nhóm sắc tộc và tôn giáo.

Nếu ông Maliki thành công trong việc thiết lập ổn định ở Iraq, đây có thể sẽ là một dấu hiệu tốt đẹp cho hòa bình, ổn định tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, nếu điều ngược lại xảy ra, rất có thể khu vực sẽ rơi vào vòng xoáy xung đột tôn giáo, sắc tộc và chính trị tồi tệ hơn bây giờ và khi đó Mỹ có thể sẽ mất khả năng kiểm soát khu vực này./.