Trong một phát biểu nhằm hối thúc lực lượng đối lập Syria tham dự Hội nghị Geneva 2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/1 cho rằng, Tổng thống al-Assad sẽ không đóng một vai trò nào trong tương lai của Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Canada và Mexico tại Washington, ông Kerry cho biết: “Tôi tin rằng ngay từ khi chúng ta bắt đầu thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị Geneva, thì một điều rõ ràng là sẽ không có một giải pháp chính trị nào nếu ông al-Assad không thảo luận về một sự chuyển tiếp. Nếu ông al-Assad nghĩ rằng ông ấy sẽ đóng một vai trò trong tiến trình chuyển tiếp, thì điều đó sẽ không diễn ra”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Mỹ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục gia tăng sức ép đối với ông al-Assad.

Theo kế hoạch, ông Kerry sẽ dẫn đầu một phái đoàn của Mỹ đến Thụy Sỹ vào tuần tới để tham dự các cuộc đối thoại giữa Chính phủ và các nhóm nổi dậy Syria tại Hội nghị quốc tế Geneva 2.

al-assad_copy.jpg
Bất đồng xung quanh vai trò của Tổng thống al-Assad tới tương lai của Syria là nguyên nhân chính có thể dẫn đến đổ vỡ Hội nghị Geneva 2 (Ảnh AP)

Trong khi đó, Nga và Syria đã bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch tổ chức Hội nghị Geneva 2 cũng như lập trường của Mỹ đối với chính quyền của tổng thống al-Assad.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17/1 sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem, đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích việc các phần tử đối lập Syria vẫn chưa quyết định có tham gia Hội nghị Geneva 2 hay không.

Ông Lavrov nhấn mạnh sự tham gia của cả Chính phủ và phe đối lập Syria đều có vai trò quan trọng đối với sự thành công của Hội nghị.

Về phần mình, Ngoại trưởng Syria cho biết Chính phủ nước này đã bày tỏ thiện chí tham gia Hội nghị. Syria đã trao cho phía Nga kế hoạch ngừng bắn tại Aleppo, thành phố lớn nhất tại Syria cũng như danh sách trao đổi tù nhân với phe đối lập.

Đây được coi là nhượng bộ quan trọng của Chính phủ Syria để tạo điều kiện thúc tổ chức Hội nghị Geneva 2. Cả Nga và Syria đều phản đối việc các bên liên quan đưa ra điều kiện tiên quyết để tham dự Hội nghị này, cho rằng việc đưa ra điều kiện là nhằm quyết định kết quả Hội nghị.

Tuy nhiên, tại các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ để đi đến quyết định có tham dự Hội nghị Geneva 2 hay không, nhóm đối lập chính ở Syria, Liên minh Dân tộc Syria tối 17/1 đã trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua quyết định này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Anas Abda, một quan chức của nhóm này cho biết: “Quyết định về việc tham dự Hội nghị Geneva 2 được hoãn cho đến chiều 17/1. Chúng tôi đã gửi một số phái đoàn đến các nhóm khác để thảo luận về Hội nghị này và chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời của họ”.

Hiện liên minh đối lập Syria vẫn chia rẽ trong việc tham dự Hội nghị Geneva 2, nhất là việc cử ai làm đại diện cho lực lượng đối lập tham dự. Bởi liên minh này, vốn được sự hậu thuẫn của phương Tây và được nhiều nước coi là đại diện hợp pháp của Syria, song lại không được một số nhóm đối lập khác và các nhóm phiến quân Hồi giáo có ảnh hưởng tại Syria công nhận.

Nhiều nhóm đối lập không muốn tham dự Hội nghị Geneva 2 trừ khi Tổng thống Bashar al-Assad bị loại ra khỏi bất kỳ Chính phủ chuyển tiếp nào./.