Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18/4 đã ký ban hành luật cấm không cấp thị thực cho bất cứ đại sứ nào tại Liên Hợp Quốc được Mỹ cho là đã tham gia “các hoạt động khủng bố”
Luật trên được Tổng thống Mỹ ký thông qua sau khi đã được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trước đó liên quan đến vụ việc Chính phủ Mỹ kiên quyết từ chối cấp thị thực cho tân Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Hamid Aboutalebi với lý do quan chức này có liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran năm 1979.
Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Hamid Aboutalebi- 1 trường hợp Mỹ từ chối cấp thị thực (Ảnh: BBC) |
Trước đó, ngày 11/4 vừa qua, Nhà Trắng chính thức bác bỏ việc cấp thị thực cho Đại sứ mới được bổ nhiệm của Iran tại Liên Hợp Quốc. Giới chức Mỹ tuyên bố họ có quyền hợp pháp từ chối cấp thị thực cho những đối tượng mà họ cho rằng có thể tạo ra mối đe dọa đối với an ninh Mỹ, bất chấp trách nhiệm của mình trong thỏa thuận về việc đặt trụ sở chính với Liên Hợp Quốc năm 1947.
Thỏa thuận đó bắt buộc Mỹ phải cho phép các đại diện ngoại giao của tất cả các nước thành viên được hưởng quyền tiếp cận Liên Hợp Quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ từ chối cấp thị thực cho 1 đại sứ tại Liên Hợp Quốc.
Iran đã lập tức phản ứng lại quyết định của Mỹ, cho rằng đây là “hành động không thể chấp nhận được” và sẽ đẩy tình hình đến chỗ bế tắc, đi ngược lại những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ hai nước sau nhiều thập kỷ "đóng băng".
Tuyên bố phản đối của phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc khẳng định quyết định này đi ngược lại luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của một nước chủ nhà và quyền của các nước thành viên Liên Hợp Quốc về việc chỉ định đại diện tại thể chế đa phương này.
Theo thông lệ, với tư cách là nước mà Liên Hợp Quốc đặt trụ sở, Mỹ có nghĩa vụ cấp thị thực cho các nhà ngoại giao nước ngoài tới làm việc tại cơ quan này./.