Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 32 đã diễn ra từ 27-28/3/2019 tại Washington DC. Đây là Hội nghị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN và Mỹ nhằm kiểm điểm tiến trình hợp tác và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN – Mỹ, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại.
Các đại biểu tham gia đối thoại chụp ảnh lưu niệm. |
Các nước khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng khu vực. Hai bên bày tỏ hài lòng về tiến triển tích cực trong thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020, theo đó 100% các dòng hành động đã và đang được triển khai, hoàn tất. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 234,2 tỷ USD, và là nhà đầu tư lớn thứ 5 vào ASEAN với tổng FDI đạt hơn 4,3 tỷ USD.
Các nước khẳng định sẽ khai thác đầy đủ tiềm năng và thế mạnh mỗi bên, thúc đẩy hợp tác phát triển toàn diện. Các nước cũng xác định một số lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác, trong đó có chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, an ninh mạng, thương mại và đầu tư, kết nối số, công nghệ thông tin và liên lạc, thành phố thông minh, năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển tiểu vùng, hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai, giáo dục, trao đổi sinh viên, …
Trên cơ sở hơn 40 năm quan hệ, Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của mình, bày tỏ mong muốn ASEAN đoàn kết, xây dựng thành công Cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. ASEAN đánh giá cao những cam kết của Mỹ, bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác toàn diện, thúc đẩy đối thoại tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
ASEAN cho rằng các chương trình hợp tác phát triển của Mỹ với ASEAN đều đang được triển khai hiệu quả, như Thoả thuận Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), Sáng kiến hợp tác kinh tế mở rộng (E3), Sáng kiến kết nối ASEAN-Mỹ (ASEAN-US Connect), Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Chương trình Quan hệ Đối tác ASEAN-Mỹ về Quản trị tốt, Phát triển công bằng và bền vững và an ninh (PROGRESS)… Đồng thời, ASEAN hoan nghênh việc Mỹ tiếp tục đưa ra những chương trình hợp tác phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, chia sẻ thông tin cập nhật về các tiến trình hợp tác khu vực đang được các bên thúc đẩy, trong đó dành nhiều thời gian trao đổi quan điểm về hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nước khẳng định tuy có những xuất phát điểm khác nhau nhưng các ý tưởng này có nhiều điểm đồng nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh chung ở khu vực và trên thế giới.
Các nước ghi nhận những tiến bộ nhất định trong tiến trình hướng tới phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 vừa qua tại Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam với tư cách chủ nhà Hội nghị.
Thay mặt các nước ASEAN trình bày về hợp tác an ninh biển, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng lĩnh vực hợp tác này đã trở nên hết sức quan trọng, được các nước quan tâm thúc đẩy và hiện là nội dung trao đổi tại hầu hết các cơ chế và diễn đàn hợp tác trong khu vực. Thời gian gần đây đã có một số chuyển biến tích cực, đặc biệt là những tiến triển trong thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ những tranh chấp chủ quyền, các hoạt động bồi đắp, quân sự hoá, nạn cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, đánh bắt cá trái phép, ô nhiễm môi trường biển, thiên tai, ... Điều này đòi hỏi ASEAN, Mỹ và các đối tác cần tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF).
Thứ trưởng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, kiềm chế, không quân sự hoá, giải quyết hoà bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt COC hiệu lực, hiệu quả./.