Có thể nói chưa bao giờ Bán đảo Triều Tiên lại ấm lên như thời điểm hiện nay. Liên tiếp những bước đi chủ động của  phía Triều Tiên nhằm hóa giải căng thẳng đã dần nhận được phản ứng tích cực từ các bên liên quan.

7_nhxr_ldjh.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên (trái) bắt tay Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong (phải) và bày tỏ hy vọng mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ liên Triều. Ảnh: Yonhap

Dù vẫn còn thận trọng, song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức hoan nghênh những tín hiệu cởi mở của Triều Tiên đối với khả năng một cuộc đối thoại với Mỹ. Chỉ riêng điểm này thôi cũng khiến giới chuyên gia và dư luận kỳ vọng về một nền hòa bình không xa trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo Chính phủ Hàn Quốc, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ có cuộc gặp lịch sử vào cuối tháng 4 tới tại Khu vực phi quân sự ở biên giới hai miền và phía Triều Tiên cũng sẵn sàng thảo luận với Mỹ về phi hạt nhân hóa.

Đây vốn được xem là một vấn đề khá nhạy cảm và là rào cản cho mọi nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay trên Bán dảo Triều Tiên. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Triều Tiên sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa và có thể ngừng mọi vụ thử hạt nhân hay tên lửa trong thời gian này. Nếu được phía Triều Tiên xác nhận, thì đây sẽ là hội nghị cấp cao thứ 3 giữa hai nước. Hai cuộc gặp trước đó diễn ra hồi năm 2000 và 2007.

Trước những diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump liệu có sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay không? Khi được hỏi về những chuyển biến ngoạn mục trên Bán đảo Triều Tiên sau nhiều tháng căng thẳng leo thang, thậm chí từng có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang, Tổng thống Mỹ cho rằng, những tuyên bố từ cả phía Hàn Quốc và Triều Tiên là “rất tích cực”, tốt cho Triều Tiên, cho Bán đảo Triều Tiên, cũng như cho thế giới.

Ông thậm chí còn đánh giá đề xuất đối thoại của Triều Tiên “là chân thành”, dù vẫn tỏ ra thận trọng và không quên nhắc lại vai trò của Mỹ đối với những diễn biến tích cực này.

“Tôi nghĩ rằng Triều Tiên chân thành, nhưng kết quả này có được là nhờ những lệnh trừng phạt và những gì chúng tôi đang làm với Triều Tiên. Trong đó cũng phải kể đến sự hỗ trợ của Trung Quốc và nước này có thể làm nhiều hơn nữa. Trung Quốc đã mang lại một sự hỗ trợ lớnvà là một yếu tố quan trọng. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, các lệnh trừng phạt là rất mạnh mẽ”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Trong một dòng Tweet được đăng tải ngay sáng 7/3, ông Trump viết, lần đầu tiên trong nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc đã được tất cả các bên liên quan thực hiện. Thế giới hãy nhìn và chờ đợi. Ngay sau đó, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong một phát biểu có phần thận trọng hơn kêu gọi những bước tiến “đáng tin cậy, có thể kiểm chứng và cụ thể” về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã ngay lập tức kêu gọi tất cả các bên nắm bắt lấy cơ hội đàm phán này để thúc đẩy một nền hòa bình bền vững và phi hạt nhân.

Cũng với quan điểm này, chính phủ Trung Quốc ngày 7/3 hoan  nghênh kết quả tích cực đạt được sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phái đoàn Hàn quốc, đồng thời kêu gọi hai miền Triều Tiên tận dụng cơ hội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Việc Hàn Quốc cử một phái đoàn đặc biệt đến Triều Tiên là một bước đi đáng hoan nghênh để trao đổi quan điểm về các vấn đề có liên quan. Chúng tôi cũng đã nhận thấy một số báo cáo tích cực về sự tương tác giữa hai miền Triều Tiên và hi vọng điều này có thể được mở rộng cho các bên khác, kể cả sự tương tác giữa Triều Tiên và Mỹ”.

Các cuộc thảo luận hồi đầu tuần giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các đặc phái viên Hàn Quốc kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan phát ngôn của Đảng Lao động Triều Tiên  đã dành toàn bộ trang nhất cho chuyến  thăm này. Theo Cố vấn Tổng thống Moon Jae-in, ông Chung Eui-Yong, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận trong các hồ sơ nhạy cảm nếu những đe dọa quân sự nhằm vào Triều Tiên biến mất.

Tuy nhiên, cách nói này lại đặt ra sự hoài nghi, bởi kể từ khi sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, Triều Tiên vẫn luôn cho rằng nước này phải phát triển chương trình hạt nhân nhằm đối phó với sự chiếm đóng quân sự của Mỹ. Hơn nữa, dù hoan nghênh những tín hiệu tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gần như đồng thời thông báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới, cáo buộc chính quyền Triều Tiên đã sử dụng một loại chất độc được xếp vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan cái chết của nhân vật được cho là Kim Jong Nam tại Malaysia hồi năm ngoái.

Mặt khác, chính quyền nước này cũng khẳng định, cuộc tập trận hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc, bị hoãn tới sau khi Thế vận hội mùa Đông dành cho người khuyết tật kết thúc sẽ được nối lại theo dự kiến.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự cân bằng khó khăn mà Hàn Quốc đang cố duy trì, Tổng thống Moon Jae-in hôm qua nhấn mạnh, cần phải thảo luận với Triều Tiên, song cũng cần phải tăng cường liên minh với Mỹ. Theo ông, Hàn Quốc cần phải đối thoại với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhưng đồng thời, cũng cần phải thực hiện mội nỗ lực nhằm  phát triển hiệu quả năng lực quốc phòng để đối phó các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Các đặc phái viên Hàn Quốc hôm nay rời Triều Tiên sang Mỹ để thông báo kết quả chuyến thăm Triều Tiên./.