Ngày 4/12, lần đầu tiên Mỹ cho công bố nỗ lực bất thành vào tháng trước để giải cứu một công dân Mỹ bị bắt làm con tin bởi tổ chức khủng bố al- Qaeda ở Yemen.

Giới chức Mỹ cho biết, Tổng thống Barack Obama tháng trước đã cho phép tiến hành một cuộc đột kích bí mật để giải cứu nhà báo Luke Somers (33 tuổi). 

luke_somers_dobq.jpgNhà báo con tin Mỹ Luke Somers (ảnh: EPA)

Nhà báo Somers bị bắt cóc tại Thủ đô Sanaa của Yemen vào tháng 9/2013. Tuy nhiên, đội đột kích chỉ giải cứu được những con tin khác, mà không tìm thấy nhà báo Somers.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Bernadette Meehan nói: “Ngay sau khi chính phủ Mỹ nhận được tin tình báo đáng tin cậy và vạch ra kế hoạch hoạt động, lãnh đạo của Bộ Quốc phòng đã tiến hành ngay công việc giải cứu ông Somers. Nhưng thật đáng tiếc, ông Somers đã không có ở đó”.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay, lực lượng quân đội Yemen cũng đã cùng phối hợp tham gia giải cứu con tin. “Thông tin chi tiết về nhiệm vụ giải cứu con tin vẫn đang được giữ bí mật”, ông Kirby nói.

Cuộc đột kích nhằm vào mục tiêu là một hang động ở huyện Hajr as-Say'ar, phía Đông tỉnh Hadramout của Yemen. Quân đội Mỹ và quân đội Yemen đã cứu thoát được 6 con tin Yemen, một con tin Arab, một con tin Ethiopia, đồng thời giết chết 7 thành viên thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Sau cuộc giải cứu, trang web 26sept.net của Bộ Quốc phòng Yemen dẫn lời một người lính tham gia cuộc giải cứu cho biết, một con tin người Mỹ, một con tin người Anh và một con tin người Nam Phi đã bị chuyển đi nơi khác 2 ngày trước đó.

Chính phủ Mỹ cho công bố thông tin về cuộc giải cứu bất thành sau khi một đoạn video kéo dài 3 phút được đăng tải trên mạng Internet của lực lượng al-Qaeda. Lực lượng này đã  ra tối hậu thư cho Mỹ trong 3 ngày phải đáp ứng một loạt các yêu cầu mà tổ chức này đã gửi tới Nhà Trắng, nếu không, chúng sẽ hành quyết nhà báo Luke Somers.

Xuất hiện trong đoạn video này, ông Somers cũng kêu gọi chính phủ Mỹ hãy đảm bảo sự an toàn cho mình. Reuters cho biết không thể xác nhận được tính xác thực của đoạn video nói trên. Ông Somer cho biết thêm mình được sinh ra ở  Anh và có quyền công dân Mỹ./.