Hội nghị được cho là xoay quanh hàng loạt vấn đề nóng của thế giới như cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan, chống phát triển và phổ biến tên lửa, thương mại và an ninh hàng hải, cùng nhiều mối đe dọa về an ninh trong khu vực.

pompeo_dvbz_zdet.jpeg
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: CNBC.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan tại thủ đô Warsaw ngay trước lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ một phần chương trình nghị sự của hội nghị lần này.

“Chúng tôi nhóm họp để nói về tương lai của sự ổn định và thịnh vượng ở Trung Đông. Chúng tôi sẽ nói về kế hoạch hòa bình trong khu vực, đề cập các mối đe dọa, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố và cũng sẽ nói về cách thức các quốc gia có thể hợp tác cùng nhau”, ông Pompeo nói.

Về phần mình, ông Jacek Czaputowicz, Ngoại trưởng Ba Lan, nước đăng cai tổ chức hội nghị lần này bày tỏ sự ủng hộ với nỗ lực đi đầu của Mỹ: “Chỉ có làm việc cùng với Mỹ, và nói rộng ra là cộng đồng các quốc gia dân chủ, chúng ta có thể có ảnh hưởng tích cực và đạt được hòa bình và ổn định cho tình hình ở Trung Đông”.

Trước nỗ lực tập trung vào vấn đề Iran, các quan chức chủ chốt của Liên minh châu Âu, bao gồm Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini,vừa xác nhận sẽ không có mặt tại hội nghị trong bối cảnh các cường quốc châu Âu và Liên minh châu Âu đang theo đuổi nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ tuyên bố rút khỏi năm 2018.

Phía Nga, đồng minh chủ chốt của Iran, cũng thẳng thừng từ chối lời mời tham dự hội nghị mà nước này cho là “chỉ nhắm tới quốc gia duy nhất”. Trước đó Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo hội nghị do Mỹ và Ba Lan phối hợp tổ chức tại Warsaw để bàn về hòa bình và an ninh tại Trung Đông sẽ "phản tác dụng" nếu chỉ tập trung vào nỗ lực chống Iran.

Về phía Iran, quốc gia Hồi giáo này phản ứng gay gắt trước việc Mỹ dẫn đầu nỗ lực tổ chức hội nghị hòa bình về Trung Đông, nhất là khi các quan chức của Tehran không có trong danh sách khách mời của hội nghị vốn đã được lên kế hoạch bởi ông Brian Hook - đặc phái viên về Iran của Tổng thống Trump và người đứng đầu nhóm hành động về Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thẳng thừng bác bỏ hội nghị này, xem đây là "diễn đàn chống Iran", bất chấp việc Mỹ thời gian gần đây liên tục bác bỏ những bình luận cho rằng Iran sẽ trở thành chủ điểm của các cuộc tranh luận trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh lần này.

Hiện dấy lên nhiều hoài nghi về việc hội nghị toàn cầu về Trung Đông có mang lại những tiến triển tích cực cho tình hình khu vực hay không khi mà nó diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm giữa lúc các nước châu Âu có vẻ như đang tỏ thái độ lạnh nhạt với hội nghị này. Chưa kể hội nghị dưới sự dẫn dắt của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Iran, quốc gia đối đầu với Washington hơn ba thập kỷ mà đến nay vẫn chưa có cách hóa giải./.