TheoAP, những hình ảnh vệ tinh do Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy nhiều vệt sáng tại nơi những quả rocket được phóng đi và những hố sâu nơi chúng rơi xuống đất.
Các quan chức Mỹ cho biết những hình ảnh vệ tinh này cho thấy các loại vũ khí hạng nặng đã được bắn từ ngày 21-26//7 tức là chỉ vài ngày sau khi máy bay MH17 bị bắn hạ ngày 17/7.
Những hình ảnh do Mỹ cung cấp cũng cho thấy nhiều quả rocket được phóng bởi lực lượng ly khai Ukraine hoạt động tại nước này và trên đất Nga. Một hình ảnh còn cho thấy hàng loạt hố đạn sâu xung quanh một đơn vị quân đội của Ukraine. Một hình ảnh khác cho thấy nhiều quả rocket có tầm bắn lên tới hơn 10km.
Theo bản ghi nhớ dài 4 trang mà Mỹ đưa ra kèm theo những hình ảnh vệ tinh nói trên, một hình ảnh trong đó đã cung cấp bằng chứng rằng quân đội Nga đã “phóng rocket vào quân đội Ukraine và rằng Nga đã hỗ trợ phiến quân sử dụng đạn pháo hạng nặng do Nga cung cấp để tấn công lực lượng quân đội Ukraine ngay trong lòng Ukraine”.
Cũng theo bản ghi nhớ nói trên: “Những khu vực rộng lớn bị ảnh hưởng bởi đạn pháo gần các căn cứ quân sự của Ukraine cho thấy vệt lửa gây ra bởi rất nhiều quả rocket”.
Ngoài ra, bản ghi nhớ này còn bao gồm một hình ảnh vệ tinh được coi là bằng chứng về những loại pháo tự hành vốn chỉ có ở các đơn vị Nga “đang nhắm bắn từ khu vực biên giới của Nga vào các đơn vị của Ukraine hoạt động tại Ukraine”.
Theo AP, bản ghi nhớ dài 4 trang này là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những hoạt động của mình tại Ukraine và việc công bố những hình ảnh vệ tinh nói trên có thể giúp Mỹ thuyết phục các đồng minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề hơn nữa đối với Nga.
Thời gian Mỹ công bố bản ghi nhớ của mình cũng cho thấy Mỹ muốn cảnh báo Nga không nên theo đuổi những hành động quân sự tiếp theo tại Ukraine.
Trước đó, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố rằng việc di chuyển hệ thống pháo hạng nặng của Nga sang Ukraine là rất rõ ràng.
Về phần mình, Nga đã bác bỏ những cáo buộc về việc Nga có liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga vào cuối tuần qua đã cáo buộc Mỹ tiến hành “một chiến dịch không ngừng nghỉ nhằm bôi xấu Nga và ngày càng dựa nhiều hơn vào những bằng chứng không có thật”.
Ngày 27/7, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thúc giục Nga ngừng ngay việc chuyển vũ khí hạng nặng cũng như ngừng việc tấn công bằng rocket và đạn pháo sang Ukraine.
Ông Kerry cũng không chấp thuận việc ông Lavrov phủ nhận rằng vũ khí hạng nặng của Nga có liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine./.