Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Mỹ Barack Obama có đồng ý với kế hoạch này hay không bởi theo một quan chức cấp cao của Mỹ, đề xuất này vẫn chưa được Nhà Trắng đưa ra thảo luận.
Hơn thế nữa, việc ông Obama chấp thuận việc này có thể đẩy Mỹ dính líu nhiều hơn đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Điều này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ được cho là đang cân nhắc sự can dự của Mỹ vào tình hình Ukraine, đặc biệt là việc liệu Mỹ có sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Nga hay không?
Cho đến nay, Mỹ đang chia sẻ những hình ảnh vệ tinh về sự di chuyển của lực lượng ly khai và các loại vũ khí của lực lượng này.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Mỹ, thông tin này không đủ để có thể sử dụng vào việc tấn công vào các mục tiêu nói trên bởi các thông tin này không phải là thông tin trực tiếp, và nó có thể được cung cấp từ vài giờ hay thậm chí vài ngày trước.
“Chúng tôi phải rất thận trọng khi đưa ra ngày tháng về những gì liên quan trực tiếp đến Nga, nhất là khi nó xảy ra trên lãnh thổ của Nga”, quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, kế hoạch cung cấp thông tin theo thời gian thực cho Ukraine vẫn “chưa được đặt lên bàn của Tổng thống Mỹ”, bởi Nhà Trắng đang tập trung vào việc giành được nhiều sự ủng hộ của châu Âu trong việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga.
Quan chức Mỹ nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ là một phần trong việc “trao đổi thông tin tình báo”.
Các quan chức Lầu Năm Góc rất ủng hộ đề xuất này và cho rằng nó phù hợp với các kế hoạch về an ninh của Tổng thống Obama, trong đó chú trọng vào việc hỗ trợ các nước mà không cần đưa quân trực tiếp vào các nước đó.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng ủng hộ đề xuất này.
“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể thực hiện nó một cách dễ dàng và rất hiệu quả. Tuy nhiên, điều này sẽ làm leo thang căng thẳng với Nga và nhiều người hoài nghi rằng liệu có khôn ngoan khi làm việc này không”, một quan chức tham gia thảo luận về việc này chia sẻ.
Một quan chức khác nêu ra những vấn đề rất nghiêm trọng khi cung cấp các loại thông tin như vậy cho quân đội Ukraine. Ông bày tỏ hoài nghi rằng liệu quân đội Ukraine có khả năng bắn trúng các mục tiêu được cung cấp hay không ngay cả khi họ biết chính xác vị trí của các mục tiêu. Hơn thế nữa, việc bắn trượt mục tiêu cũng đồng nghĩa với việc nhiều dân thường phải thiệt mạng.
Ngoài ra, lực lượng ly khai cũng thường xuyên di chuyển các trang thiết bị của mình và điều này làm gia tăng khả năng quân đội Ukraine bắn trượt mục tiêu.
“Dù việc cung cấp cho quân đội Ukraine vị trí cụ thể của các mục tiêu của họ có thể là một giải pháp hiệu quả, việc quân đội Ukraine có thể tiêu diệt các bệ phóng tên lửa đang di chuyển liên tục hay không lại là một việc rất kho khăn”, Reed Foster, một nhà phân tích tại Trung tâm IHS Jane’s nhận định.
Ông Foster cũng nói thêm rằng binh sỹ Ukraine chưa được đào tạo kỹ lưỡng về việc sử dụng thông tin tình báo của các nước khác.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng đang thảo luận về việc Ukraine có thể tiếp cận bao nhiêu thông tin do nước này chưa phải là đồng minh của NATO.
“Vấn đề ở đây là Mỹ sẽ cung cấp bao nhiêu thông tin cho Ukraine mà không khiến Nga cảm thấy bị khiêu khích”, một quan chức tham gia thảo luận chia sẻ.
Đầu tuần qua, báo chí quốc tế đưa tin Mỹ đang chuẩn bị đưa một đội cố vấn quân sự của mình sang Ukraine để hỗ trợ cho việc tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này trong bối cảnh giao tranh giữ quân Chính phủ và lực lượng ly khai đang diễn ra ác liệt./.