Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra ngày 29/2 sau cuộc gặp với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier tại Washinghton. 

Trong khi châu Âu vẫn đang loay hoay với bài toán kiểm soát dòng người nhập cư, thì dòng người di cư và tị nạn vẫn tiếp tục đổ về châu lục này. Liều mình trên những hành trình đầy nguy hiểm vượt biển từ Trung Đông, Bắc Phi, những người di cư cũng bất chấp cả những hàng rào dây thép gai hay cả lực lượng cảnh sát biên giới để tìm mọi cách đặt chân tới các nước châu Âu.

syria_rgqn.jpg
Dòng người tị nạn Syria đổ ra khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để chờ được sang châu Âu. Ảnh Reuters

Ngày 29/2, đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát chống bạo động Pháp và người di cư khi cơ quan chức năng bắt đầu giải tỏa khu lán trại tạm bợ do người di cư dựng lên trái phép ở thành phố cảng Calais, miền Bắc nước Pháp. 

Theo các nhà chức trách, cảnh sát đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán khoảng 150 người di cư đã ném gạch đá và dùng gậy sắt chống đối khi lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa khu lán trại. 

Ngoài những đối tượng gây bạo động, nhiều người di cư tụ tập gây rối trên tuyến đường cảng chạy ven khu trại tạm trong nhiều giờ. Tình hình chỉ được kiểm soát khi cảnh sát trấn áp và bắt 4 đối tượng gây rối. 

Cũng trong ngày hôm qua, cảnh sát Macedonia đã phải dùng hơi cay để đối phó với hàng trăm người di cư Iraq và Syria đang tìm cách hạ đổ hàng rào dây thép gai được dựng nên tại biên giới với Hy Lạp. 

Theo lời các nhân chứng, đám đông người di cư đã giật đổ cánh cổng kim loại và leo lên đường ray tàu hỏa, trong khi nhiều người từ chối di chuyển và yêu cầu được vào thành phố. Ít nhất 30 người gồm nhiều trẻ em cần được hỗ trợ y tế do hơi cay và bị giẫm đạp. 

Trong khi một số nước đã phải áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để hạn chế dòng người di cư và tị nạn, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định chính sách mở cửa đối với người tị nạn và bác bỏ những ý kiến về việc đóng cửa biên giới.  

Trong một phát biểu hướng tới những người ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU) của mình, bà Merkel cho rằng, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn hơn số lượng mà châu Âu sẵn sàng tiếp nhận. 

Cụ thể, Lebanon hiện có 1,5 triệu người tị nạn Syria trong khi dân số nước này chỉ có 5 triệu người. Thổ Nhĩ Kỳ, với dân số 70 triệu người, cũng đã tiếp nhận hơn 2,5 triệu người tị nạn. 

Nếu một lục địa lớn như châu Âu với 500 triệu dân có thể tạm thời tiếp nhận 1 triệu người Syria thì đó không phải là sự đòi hỏi quá đáng. Bà Merkel cũng cho rằng, việc quay trở lại kiểm soát đường biên giới sẽ là một thách thức lớn đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu. 

“Tôi muốn nói rằng, châu Âu là một khối với hơn 500 triệu công dân và nếu chúng ta một lần nữa trở về với những nước nhỏ với sự kiểm soát đường biên giới ở khắp mọi nơi thì sẽ rất khó để lưu hành một đồng tiền chung. 

Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải đấu tranh để bảo vệ đường biên giới chung bên ngoài. Cả 28 nước thành viên phải cùng nhau làm điều này”, bà Merkel nói. 

Trong khi đó, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước đối phó với làn sóng người nhập cư. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier ngày tại Washinghton, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: “Mỹ coi cuộc khủng hoảng di cư là vấn đề toàn cầu. Tác động đầu tiên của nó dồn vào các nước như Jordani, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, và họ đang phải gánh một gánh nặng không thể tin được trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria”. 

Các cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á đặc biệt là Syria đã đẩy hàng trăm nghìn người tìm mọi cách để nhập cư vào châu Âu. Mỹ hiện là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho người tị nạn với 5,1 tỷ USD, chủ yếu cho các trại tị nạn ở các nước láng giềng của Syria. 

Tuy nhiên, nước Mỹ tuyên bố chỉ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016. Phía Mỹ cho rằng, thúc đẩy một giải pháp chính trị và kết thúc chiến tranh tại Syria mới có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư hiện nay./.