Theo kế hoạch, ngày 11/1, Tổng thống Obama sẽ hội đàm với người Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại Nhà Trắng nhằm thảo luận về Hiệp định An ninh song phương lâu dài giữa Afghanistan và Mỹ (BSA). Do vậy, cuộc gặp này được dư luận chú ý bởi nó đề cập đến vấn đề "nóng” hiện nay là an ninh tại Afghanistan sau khi lực lượng NATO rút khỏi quốc gia này vào năm 2014, chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 11 năm tại đây.

Nội dung cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp  Hamid Karzai tập trung chủ yếu vào Hiệp định An ninh song phương lâu dài giữa Afghanistan và Mỹ (BSA). Trong đó, bao gồm cả quy mô hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này sau năm 2014. Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận và vấp phải không ít sự phản đối tại Afghanistan và một số nước láng giềng. Bởi nếu được ký kết, Hiệp định An ninhsong phương giữa hai bên sẽ bảo đảm cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan.

linh%20my%20tai%20afghanistan.jpg
Lính Mỹ tại Afghanistan (Ảnh: Reuters)

Theo đó, sự hiện diện của lực lượng nước ngoài (từ 6.000-20.000 quân) tại Afghanistan sẽ được bảo đảm trong vài năm. Theo một số quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Obama ngả theo hướng có thể duy trì dưới 10.000 quân tại Afghanistan sau năm 2014.

Thế nhưng, vấn đề được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm nhất hiện nay là khả năng đảm bảo an ninh của chính quyền Tổng thống Hamid Karzai sau khi quân đội nước ngoài rút đi. Sẽ là rất khó khăn. Bởi trước thềm cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Afghanistan, ngày 8/1, tại quốc gia Tây Nam Á này tiếp tục xảy ra "tấn công nội bộ" khi một binh sĩ Afghanistan đã nổ súng bắn chết một đồng nghiệp người Anh, tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Helmand ở khu vực miền Nam.

Ngay sau đó, phiến quân Taliban đã gửi một thư điện tử cho hãng tin Pháp AFP và cho biết một thành viên của nhóm này đã trà trộn vào căn cứ trên để thực hiện vụ tấn công, sát hại binh sĩ người Anh. Ngoài ra nền kinh tế yếu kém của nước này cũng được cho là cản bước an ninh.

Ông Hamid Saboory-Nhà phân tích chính trị của Afghanistan cho rằng: “Chúng tôi vẫn chưa có sự ổn định. Về kinh tế, mặc dù có phát triển những vẫn là một nền kinh tế viện trợ. Chúng tôi chưa thực sự đầu tư trong các dự án cơ bản mà có thể thúc đẩy nền kinh tế của Afghanistantrong những năm tới và giúp Afghanistan đứng vững trên đôi chân của mình”.

Về phần mình, phía Afghanistan mặc dù khẳng định tầm quan trọng của lực lượng nước ngoài nhưng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đảm nhiệm an ninh về lâu dài vẫn phải do nước này tự đảm trách.

Ông Rangin Dadfar Spanta-Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hamid Karzai nói: “Chúng ta cần hợp tác với Mỹ trong quá trình chuyển giao an ninh. Nhưng về lâu dài, an ninh của Afghanistan, an ninh của khu vực phải là nhiệm vụ do người dân Afghanistan và các nước trong khu vực đảm trách”.

Hiện Lực lượng nước ngoài do NATO lãnh đạo gồm khoảng 100.000 quân (trong đó có 60.000 binh sĩ Mỹ)  đang đồn trú tại Afghanistan để chống lại những tay súng có dính líu tới Taliban và đảm bảo nền hòa bình bền vững tại đất nước Tây Nam Á này.

Với chuyến thăm đang diễn ra, dư luận cho rằng, có thể Washington sẽ đạt được điều mong muốn từ chuyến công du của ông Hamid Karzai. Lực lượng quân đội Mỹ ở lại sẽ có nhiệm vụ ngăn chặn mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trở lại Afghanistan và nâng cao khả năng bảo đảm an ninh của các lực lượng sở tại sau khi quân đội nước ngoài rút đi./.