Các lệnh trừng phạt này trước đó đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Danh sách trừng phạt Iran của chính quyền Tổng thống Donald Trump bao gồm gần 700 cá nhân và thực thể thuộc các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu và ngân hàng.

trump3_fhya.jpg
Mỹ quyết định trừng phạt Iran. Ảnh: CNN.

Quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran được thực hiện sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, việc nối lại các lệnh trừng phạt là cách Washington gây sức ép kinh tế tối đa lên Iran nhằm ngăn chặn các nguồn tài chính cho chính phủ nước này và buộc Iran phải từ bỏ chương trì hạt nhân và tên lửa của mình.

Đồng thời, vòng trừng phạt lần này còn nhằm buộc Iran chấm dứt hỗ trợ các lực lượng do mình hậu thuẫn tại Yemen, Syria, Lebanon và các khu vực khác ở Trung Đông. Phát biểu tại một cuộc vận động cử tri ngày 04/11, Tổng thống Trump cho biết đây là các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất Mỹ từng áp đặt đối với Iran.

 Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và không công bằng của Mỹ là nhằm vào người dân Iran. Ông Rouhani cũng tuyên bố Iran sẽ tiếp tục bán dầu cho các nước khác bất chấp các lệnh cấm của Mỹ và rằng Iran đã sẵn sàng chống lại bất kỳ các sức ép nào. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng sẽ phản tác dụng và khiến Mỹ trở nên cô lập do các nước lớn khác trên thế giới đều phản đối quyết định này.  

Các nước châu Âu, những nước tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, đều phản đối và lấy làm tiếc về việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran. Các nước này cũng cho biết sẽ tìm cách bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn hợp pháp với Iran./.