Trước đó, hôm 27/7, với số phiếu ủng hộ áp đảo, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump. Hiện dự luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump phê duyệt.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tìm cách làm dịu những quan ngại của các nước châu Âu. Ông Tillerson khẳng định, với số phiếu gần như tuyệt đối, lệnh trừng phạt của Quốc hội đại diện cho ý chí mạnh mẽ của người dân Mỹ để buộc Nga phải tiến hành các bước đi nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ.
Ông Tillerson khẳng định Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với những người bạn và đồng minh của mình nhằm đảm bảo rằng thông điệp được gửi tới Nga, Iran và Triều Tiên được hiểu một cách rõ ràng.
Mỹ và EU trước đây đã từng phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014, vượt qua được những chia rẽ về việc sẽ trừng phạt Nga như thế nào. Ngoài ra, EU còn mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau vụ rơi máy bay của Malaysia ở miền Đông Ukraine tháng 7/2014.
Tuy nhiên, lần này, EU lại tỏ ra quan ngại với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga. Phía EU cho rằng, các biện pháp mà Mỹ đưa ra có thể gây ra những hậu quả không lường trước, không chỉ đối với sự thống nhất giữa hai bờ Đại Tây Dương và G7, mà còn đối với lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế của EU.
Việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga , cũng như Iran, xuất phát từ những tính toán trong nước của Mỹ, gây ảnh hưởng đến nỗ lực của EU trong việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, cụ thể liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), hiện do tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom thực hiện./.