Quốc hội Mỹ quyết dồn Donald Trump đến chân tường

Với việc cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều thông qua dự luật trừng phạt Nga với tỷ lệ áp đảo đáng kể (419-3 tại Hạ viện và 76-1 tại Thượng viện), nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng thống Mỹ không còn con đường nào khác là phải ký thông qua dự luật này nếu không muốn chứng kiến quyền phủ quyết của mình bị vô hiệu hóa.

donald_trump_trkb.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Theo chuyên gia hàng đầu về Mỹ tại Trung tâm Heidelberg của Đức Martin Thurnet, việc các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tìm được tiếng nói chung trong việc này cho thấy Quốc hội Mỹ đang muốn truyền một thông điệp cứng rắn đến Tổng thống Donald Trump và cả đến Nga.

“Dự luật trừng phạt đó cần được coi là một thông điệp dành cho cả ông Donal Trump và Nga. Rất nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tin rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và sự can dự của Nga chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại của bà Hillary Clinton.

Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn “dằn mặt” Tổng thống Donald Trump bởi ông dám “làm trái ý họ” trong nhiều vấn đề ngoại giao, trong đó có mối quan hệ với Nga”.

Theo ông Thunert, các nghị sĩ Mỹ đã “khéo léo” gộp chung Nga với các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên vào “gói trừng phạt chung” để đạt được sự thống nhất cao nhất có thể.

“Nếu dự luật này chỉ liên quan đến việc trừng phạt Nga, số nghị sĩ ủng hộ sẽ ít đi đáng kể. Nhiều nghị sĩ không muốn “chặn hết đường” cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Donald Trump nhưng họ buộc phải thông qua dự luật này vì họ muốn trừng phạt Triều Tiên và Iran. Bản thân ông Donald Trump cũng muốn “chơi rắn” với hai nước nói trên chứ không phải Nga”, ông Thunert nhận định.

Tổng thống Donald Trump sẽ tìm ra lối thoát

Cũng theo ông Thurnet, dù phải chấp nhận “thua thiệt” trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ quyết chiến đến cùng: “Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ phải ký thông qua dự luật trừng phạt Nga. Tuy nhiên, ông ấy sẽ tìm cách để dự luật này trở nên linh hoạt hơn, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện để các công ty của Mỹ tiếp tục làm ăn với Nga.

Có thể Tổng thống sẽ chấp nhận “mặc cả” với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa để đổi lấy một ưu đãi nào đó dù rất nhỏ bởi ông Donald Trump hiểu rằng, ông ấy không thể nói không với chính dự luật mà hầu hết các nghị sĩ trong đảng của ông ấy đã thông qua”.

Ngoài ra, theo ông Thunert, giới vận động hành lang tại Mỹ sẽ làm hết sức mình để có thể giảm thiểu những hệ lụy của dự luật này đối với việc làm ăn của các tập đoàn lớn của Mỹ, đặc biệt là các công ty tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chảy qua Nga.

Chuyên gia người Đức cho rằng: “Ông Donald Trump vẫn còn rất nhiều cách để có thể “lách” dự luật này. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ sớm được nới lỏng nếu Tổng thống Mỹ có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong các cuộc đối thoại với Nga. Các lệnh trừng phạt có thể cản trở bước tiến của Tổng thống Mỹ nhưng sẽ không thể làm cho ông ấy suy yếu”.

Đòn đáp trả từ Nga

Trước khả năng sẽ phải hứng chịu tiếp lệnh trừng phạt mới từ Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, chắc chắn Nga sẽ có hình thức đáp trả xứng đáng “sự xúc phạm” từ Mỹ này.

Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi đã hành xử một cách rất kiềm chế và kiên nhẫn. Tuy nhiên, sẽ có lúc chúng tôi phải có phản ứng của mình. Nga không thể chấp nhận dung thứ mãi cho hành động xúc phạm của Mỹ. Lệnh trừng phạt của Mỹ là không thể chấp nhận được. Nó đã hủy hoại quan hệ cũng như luật pháp quốc tế”.

Ông Putin cũng lên tiếng chỉ trích việc giới chức Mỹ tiến hành điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cho rằng, “đó không phải là một cuộc điều tra đúng nghĩa” mà chỉ cho thấy “một thái độ bài Nga” đang dâng tràn tại Washington.

Tổng thống Nga cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc quan hệ Nga-Mỹ chắc chắn sẽ xấu đi sau lệnh trừng phạt này: “Đáng tiếc là quan hệ Nga-Mỹ đã trở thành vật hiến tế cho giới chính trị Mỹ trong cuộc chiến giữa Tổng thống Donald Trump và các đối thủ chính trị của ông ấy”.

Theo ông Putin, việc Nga-Mỹ có được mối quan hệ hợp tác tốt có thể “giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nghiêm trọng có tác động trực tiếp đến người dân hai nước cũng như các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu và vấn nạn khủng bố”. Tổng thống Nga bày tỏ hy vọng “tình trạng băng giá trong quan hệ 2 nước sẽ sớm chấm dứt và sẽ chuyển sang một gia đoạn mới tốt đẹp hơn vì lợi ích của nhân dân Nga và Mỹ”./.