Nhiều phản ứng đầu tiên trước quyết định - được coi là “dấu mốc lịch sử” này, đã được đưa ra, trong đó có cả những đánh giá tích cực lẫn tiêu cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/12 tuyên bố, nước này đã “chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng tại Syria và đã đến lúc “những người anh hùng” trở về nhà với những người thân yêu của họ.
Tổng thống Trump nói: “Chúng ta đã chiến đấu một quãng thời gian dài ở Syria. Trong vai trò lãnh đạo đất nước gần 2 năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh cuộc chiến tại đây và đã giành được chiến thắng trước tổ chức IS, giành lại những vùng lãnh thổ mà IS từng chiếm đóng. Đã đến lúc quân đội của chúng ta trở về nhà. Họ là những anh hùng vĩ đại của nước Mỹ và thế giới vì họ đã chiến đấu chống IS – những kẻ đã làm tổn thương thế giới này. Tất cả họ sẽ quay trở về ngay bay giờ”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White lập tức xác nhận, quá trình đưa lực lượng nước này tại Syria về nước đã được bắt đầu. Tuy nhiên, vì lý do an toàn và độ bí mật, bà Dana White đã không cung cấp thêm chi tiết, song khẳng định Mỹ sẽ vẫn làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để có thể đánh bại IS tại bất cứ nơi nào tổ chức khủng bố này hoạt động.
Bức màn bí hiểm quanh vụ Mỹ tấn công Syria vào ngày 14/4
Phản ứng trước quyết định, nhiều nghị sĩ Cộng hòa và quan chức quân đội Mỹ đã lên tiếng lo ngại việc Mỹ rút quân hoàn toàn ở Syria về nước sẽ để lại hậu quả khôn lường. Họ coi quyết định của Tổng thống Donald Trump là sự bỏ rơi “không thương tiếc” đối với lực lượng người Kurd đối lập tại Syria trong giai đoạn chuyển tiếp sắp tới. Nhiều nghị sĩ Mỹ thậm chí còn thẳng thừng phủ nhận, rằng IS vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn và mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này vẫn còn hiện hữu. Trong khi đó Thượng nghị sĩ Marco Rubio còn cho đây là một sai lầm lớn, là quyết định trao đất nước Syria về tay đối thủ là Nga và Iran.
Các nước đồng minh của Mỹ cũng đã có những phản ứng đầu tiên. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Anh, ông Tobias Ellwood bày tỏ không đồng tình với tuyên bố của Nhà lãnh đạo Mỹ, rằng IS đã bị đánh bại hoàn toàn tại Syria.
Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ quyết định của Mỹ và sẽ đưa ra biện pháp phù hợp để đảm bảo an ninh quốc gia: “Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 ngày trước và hôm qua là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Họ đã nói với tôi về kế hoạch rút quân ra khỏi Syria. Mỹ sẽ có cách để vẫn có ảnh hưởng tại khu vực. Tất nhiên đây là một quyết định của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu những tác động của nó với Israel. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ vẫn duy trì việc đảm bảo an ninh cho mình”.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon cũng khẳng định, nước này sẽ vẫn theo đuổi chính sách không để Iran xây dựng căn cứ quân sự tại một quốc gia có chung đường biên giới với nước này – là Syria.
Rút quân khỏi Syria: Trump sẽ phá hủy chính sách Trung Đông của Mỹ?
Trái lại với hầu hết quan điểm tiêu cực với quyết định mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga lập tức lại cho đây là một cơ hội, một triển vọng tích cực về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Một tuyên bố của Bộ này được hãng thông tấn TASS đăng tải có viết, sáng kiến về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria đã có một “tương lai sáng” với việc Mỹ rút quân.
Còn theo giới chuyên gia, đây là một chiến thắng quan trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ khi mà lâu nay quốc gia này vẫn luôn tỏ ra bất mãn với việc Washington hỗ trợ lực lượng người Kurd, Syria. Đặc biệt quyết định của Mỹ còn được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo, quân đội nước này đã chuẩn bị sẵn sàng tấn công người Kurd, Syria ở cả khu vực có binh sĩ Mỹ đồn trú.
Tuy nhiên, trước mắt, quyết định rút quân của Mỹ có lẽ sẽ là “một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng” đối với đất nước và người dân Syria./.