Thiệt hại về người do đợt mưa lũ lịch sử xảy ra tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, trong khi các trận mưa lớn vẫn đang tiếp tục hoành hành tại nhiều địa phương ở tỉnh này.

Số liệu từ Sở Quản lý khẩn cấp tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vừa công bố hôm nay (22/7) cho thấy, các trận mưa lớn chưa từng có trong vòng 60 năm qua liên tiếp xảy ra ở tỉnh này từ ngày 16/7 đến nay đã khiến 33 người thiệt mạng, 8 người mất tích. Hơn 3 triệu người tại 103 quận, huyện trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng.  

Đến nay, Hà Nam đã phải di dời khẩn cấp 376.000 người khỏi các khu vực nguy hiểm. 215.200 ha cây trồng bị tàn phá, thiệt hại trực tiếp về kinh tế lên đến 1,22 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 187 triệu USD.

Sáng nay, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã phải phát đi cảnh báo mưa màu vàng – mức báo động thứ 2 trong 4 cấp trên cả nước, trong đó một số tỉnh được dự báo có mưa to đến rất to, như Hà Bắc, Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, Vân Nam, Chiết Giang...

Trong khi đó, Đài Khí tượng tỉnh Hà Nam tiếp tục phát đi cảnh báo màu đỏ - mức báo động cao nhất về mưa lớn. Giờ đây, không chỉ thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh này bị mưa lũ tàn phá, hàng loạt địa phương khác như An Dương, Hạc Bích, Tân Hương... lượng mưa cũng đang đều ở mức báo động, có nơi nghiêm trọng không kém Trịnh Châu.

Trong đó, lượng mưa lớn nhất đo được tại thành phố Tân Hương có lúc lên tới 907mm. Do ảnh hưởng của mưa lũ, từ ngày 19/7 đến 22/7, thành phố này đã có 7 hồ chứa cỡ vừa trong thành phố tràn nước, khiến 58 xã bị ảnh hưởng. Hai trạm đo mực nước tại đây đã vượt quá giới hạn cảnh báo. Tính đến 22h30 ngày 21/7 (giờ đại phương), đã có hơn 470.000 người và hơn 55.000 ha hoa màu tại thành phố này bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Thành phố An Dương phải ra thông báo khẩn, yêu cầu tất cả các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp làm việc tại nhà, ngoại trừ lực lượng cứu hộ và những người làm nhiệm vụ; tất cả các trung tâm mua sắm dưới lòng đất và nhân viên bãi đậu xe phải sơ tán vào nơi an toàn.

Cùng lúc đó, các chuyên gia Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin từ truyền thông nước ngoài, cho rằng những trận mưa như trút và lũ lớn ở tỉnh Hà Nam là do "hoạt động xây dựng tràn lan" của các con đập. Theo các chuyên gia này, các con đập đang đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại thảm họa mưa lũ.

Còn tại Lào, mưa to liên tục trong nhiều ngày qua (18-21/7), khiến nhiều tỉnh Bắc Lào bị ngập úng, gây nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất cũng như các công trình thủy lợi.

Theo đó, tại các tỉnh Luongnamtha, Luongprabang và Bokeo xảy ra mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã làm mực nước các sông dâng cao, gây ngập lụt diện tích hoa màu, ruộng lúa, khu dân cư và phá hủy nhiều công trình thủy lợi.

Tin âm thanh về tình hình mưa lũ tại Lào:

Chính quyền tỉnh Luongnamtha cho biết, theo báo cáo bước đầu, mưa lũ đã gây thiệt hại cho hơn 40 hecta đất nông nghiệp bị ngập úng, nhiều tuyến đường bị sạt lở và hơn 70 công trình thủy lợi khác bị hư hại. Ngoài ra, chính quyền tỉnh này cũng đã lên phương án di rời người dân ra khỏi vùng lũ trong trường hợp mưa lớn tiếp tục kéo dài.

Ngoài Luongnamtha, tỉnh Luongprabang và Bokeo cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ mưa lũ khiến một số địa phương ở các tỉnh này bị cô lập hoàn toàn. Ngay sau khi ngập úng xảy ra, các lực lượng tại chỗ đã có mặt cùng người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường sá.

Trong các ngày 13 và 14/6 vừa qua, các tỉnh Xayaboury, Xiengkhuang và Vientiane cũng trải qua đợt lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng con người.

Có thể nói, đặc trưng khí hậu của Lào từ giữa tháng 4 đến tháng 10 dương lịch là mùa mưa, các tỉnh Bắc Lào thường xuyên xảy ra các trận lũ quét, ngập lụt. Vì vậy, cơ quan khí tượng thủy văn của nước này thường xuyên khuyến cáo người dân cần thận trọng, đề phòng lũ lụt xảy ra bất ngờ trong mùa mưa lũ để bảo đảm tính mạng và tài sản./.