Bên cạnh đó cũng có những lời kêu gọi EU và Belarus kiềm chế, khi chưa hiểu đầy đủ về vụ việc. Đây là những diễn biến sau sự cố hạ cánh khẩn cấp máy bay của Ireland Rayanair hôm 23/5, xuống Minsk, Belarus.

Trên kênh Telegram của mình, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal thông báo: “Từ 0h00 ngày 26/5, Ukraine sẽ ngừng liên lạc hàng không với Belarus. Ngay tại một cuộc họp bất thường, chính phủ đã chỉ đạo Bộ Cơ sở hạ tầng, Cục Hàng không Nhà nước và Doanh nghiệp Nhà nước Ucraerorukh thực hiện các biện pháp cần thiết cho việc này”. Ngoài ra, các hãng hàng không và máy bay của Ukraine sẽ bị cấm bay trên không phận của Cộng hòa Belarus.

Ông Denis Shmygal nhấn mạnh rằng, Nội các Ukraine coi sự cố máy bay Ryanair hạ cánh ở Minsk là vi phạm Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế. Quyết định của chính phủ Ukraine là nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay và hành khách. Theo người đứng đầu chính phủ Ukraine, Cục Biên phòng Nhà nước Ukraine đã nhận được lệnh ngừng đăng ký của hành khách đi từ Belarus hoặc đến Belarus tại các điểm hải quan của các sân bay.

Trong phản ứng có tính dây chuyền, Bộ Giao thông vận tải Estonia đã khuyến nghị các hãng hàng không của nước Cộng hòa này nên tránh không phận của Belarus và thực hiện các thay đổi thích hợp đối với lịch bay của họ. Điều này vừa được Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Cơ sở hạ tầng Taavi Aas thông báo. Ông lưu ý rằng, đối với hành khách, điều này có nghĩa là thời gian bay trên một số chuyến bay dài hơn và mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn một chút đối với các hãng hàng không, nhưng nước này không thể bỏ qua những bước đi gần đây của Belarus. Bộ trưởng Aas nói thêm rằng, nước này sẽ đưa ra quyết định đóng cửa không phận Estonia đối với các hãng hàng không Belarus cùng với các nước EU khác theo quyết định của Hội đồng EU.

Hãng hàng không Tây Ban Nha Iberia đã quyết định đình chỉ các chuyến bay qua không phận Belarus, trong khi chờ được thông báo chính thức về quyết định của Liên minh châu Âu.

Tương tự, hãng hàng không LOT của Ba Lan đã hủy các chuyến bay qua Belarus. Công ty đã lên kế hoạch cho các đường bay thay thế cho máy bay bay qua Belarus.

Sau sự cố hạ cánh khẩn cấp máy bay của Ryanair, Belarus đang phải hứng chịu sự lên án mạnh mẽ và đe họa từng phạt của hàng loạt nước trên thế giới.

Hôm qua, Hội nghị Thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia Liên minh châu Âu đã đưa ra tuyên bố về quyết định cấm các hãng hàng không Belarus bay đến các sân bay của EU và bay qua lãnh thổ của Liên minh châu Âu, đồng thời khuyến cáo các hãng hàng không châu Âu từ chối bay trên không phận nước này.

Tuy nhiên, quyết định này vẫn chưa có hiệu lực bởi nó cần được thống nhất và thông qua trong Hội đồng EU ở cấp bộ trưởng. Những người tham gia Hội nghị Thượng đỉnh cũng kêu gọi đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus.

Trong diễn biến liên quan, hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden Biden đã tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của EU về các biện pháp trừng phạt kinh tế có mục tiêu và các biện pháp khác đối với Belarus, đồng thời chỉ thị chính quyền xây dựng các biện pháp thích hợp để quy trách nhiệm cho những người liên quan đến vụ Ryanair. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đứng về phía những lời kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế để làm rõ sự thật của vụ việc này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Belarus và EU kiềm chế liên quan đến vụ máy bay Ryanair. Theo Bộ này, “các tình tiết liên quan đến vụ việc này chưa được hiểu đầy đủ” và trong tình hình hiện nay, điều cực kỳ quan trọng đối với Belarus và EU là "tránh leo thang".

Chủ tịch Ủy ban của Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky cũng cho rằng, đối với sự kiện ở Belarus, không đòi hỏi những đánh giá vội vàng của EU. Theo ông, "phản ứng của Liên minh châu Âu liên quan đến vụ việc ở Belarus có thể đoán trước được trên tinh thần của các tiêu chuẩn kép". Ông nhắc nhớ về cuộc hạ cánh cưỡng ép vào năm 2013 đối với máy bay của Tổng thống Bolivia theo yêu cầu của Mỹ, cũng như về tình trạng tương tự ở Kiev với các nhà hoạt động chống Maidan. Ông nhấn mạnh rằng: “Lúc đó, không chỉ có một sự biện minh đầy đủ về các bước như vậy, mà thậm chí là sự hỗ trợ tối đa từ EU”./.