- Nữ sinh gốc Việt nhận giải Học sinh xuất sắc nhất Hungary
- Người Việt mua thị trấn Mỹ là doanh nhân ở TPHCM
Các phương tiện truyền thông Pháp sáng 11/4 dẫn thông báo chính thức của con gái ông Raymond Aubrac cho biết: Ông Raymond Aubrac đã qua đời tối thứ Ba, ngày 10/4 tại bệnh viện quân đội Val de Grace, hưởng thọ 97 tuổi.
Sinh ngày 31/7/1914, ông Raymond Aubrac tên thật là Raymond Samuel. Thời trẻ, ông Aubrac đã tốt nghiệp trường Cầu Đường danh tiếng của Pháp và trường Harvard của Mỹ. Chính tại Mỹ, ông đã gặp vợ ông, bà Lucie Aubrac và hai người sau này đã sát cánh bên nhau trong phong trào kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của quân Đức trên đất Pháp và Chính phủ Vichy trong Thế chiến II.
Ông Aubrac là người đồng sáng lập phong trào “Giải phóng miền Nam” Pháp và là một trong những lãnh đạo cuối cùng của phong trào Kháng chiến thống nhất, đã sát cánh bên nhà đấu tranh nổi tiếng Jean Moulin.
Raymond Aubrac - người bạn lớn của Bác Hồ |
Với nhân dân Việt Nam, ông Aubrac được biết đến qua mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đóng góp của ông với hòa bình của Việt Nam, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Năm 1946, ông Aubrac gặp Bác Hồ lần đầu tiên, khi Bác dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán. Sớm có thiện cảm với nhau, Bác Hồ đã chuyển đến ở nhà ông Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô Paris. Trong thời gian sinh hoạt cùng gia đình Aubrac, Bác còn trở thành cha đỡ đầu của Babette, người con gái mới sinh của ông Aubrac.
Trong những năm sau đó, ông Aubrac vẫn giữ mối liên hệ với Việt Nam. Năm 1967, ông cùng một nhà khoa học mang tên Herbert Marcovitch đại diện cho Phong trào của các nhà khoa học (PUGWASH) đến miền Bắc Việt Nam, giữa lúc chiến tranh khốc liệt, để gặp Bác Hồ nhằm chuyển tải thông điệp muốn chấm dứt leo thang chiến tranh từ hai phía.
Ông Aubrac còn nổi tiếng hơn với chuyến hành trình 8 ngày 8 đêm đi tàu từ Bắc Kinh đến Hà Nội, chỉ cho một cuộc đàm phán 5 phút theo đề nghị giúp đỡ từ phía Việt Nam, rồi lại đi tàu 8 ngày 8 đêm trở lại Bắc Kinh.
Suốt nhiều năm sau chiến tranh, ông Aubrac luôn là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam./.