Trước đó, ngày 10/8 đã xảy ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và phe đối lập tại miền Đông, huy động cả các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo binh. Đây được xem là các cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất trong vòng nửa năm qua.
Một người đàn ông bước trên đống đổ nát sau cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe đối lập. Ảnh Reuters |
Các báo cáo mới nhất của cả quân chính phủ và phe đối lập cho biết, trong 24 giờ qua đã có 4 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai bên tại miền Đông nước này.
Trước đó, Chính phủ Ukraine khẳng định đã đẩy lùi một đợt tấn công của khoảng 20 tay súng thuộc phe đối lập, với sự hỗ trợ của khoảng 10 xe bọc thép gần thành phố Starognativka, nằm ở ngã ba tuyến đường tới căn cứ địa của lực lượng đối lập ở Donetsk và cảng Mariupol, thành phố cuối cùng ở vùng chiến sự còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine.
Trận chiến tại Starognativka đã buộc Tổng thống Poroshenko phải triệu tập cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu Bộ chỉ huy quân sự nước này cùng với Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia nhằm đánh giá tình hình.
Ông Poroshenko cũng yêu cầu Ngoại trưởng Pavlo Klimkin tiến hành tham vấn khẩn cấp nhóm Bộ tứ Normandie gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, cuộc gặp là để thông báo với các nhà trung gian của thỏa thuận hòa bình Minsk, cũng như Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, cơ quan giám sát lệnh ngừng bắn và NATO về tình trạng leo thang căng thẳng nguy hiểm tại miền Đông Ukraine, có nguy cơ đe dọa tiến trình hòa bình.
Những cuộc giao tranh này diễn ra một ngày sau vụ phóng hỏa một loạt xe bọc thép của các quan sát viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, những người đang giám sát lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.
Phản ứng trước những vụ tấn công này, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu cho rằng, đây là âm mưu của những kẻ muốn ngăn cản tổ chức này xác định các vi phạm thỏa thuận Minsk.
Trong khi đó NATO thì tuyên bố luôn theo dõi sát tình hình, đồng thời nhấn mạnh, việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận đạt được tại Minsk là cách để đi tới hòa bình.
Cả OSCE và NATO đều nhấn mạnh, điều quan trọng là các quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu có thể tiếp tục công việc của mình một cách an toàn.
Phó trưởng nhóm giám sát của OSCE tại Ukraine Alexander Hug nhấn mạnh: “Chúng tôi đã là mục tiêu của các vụ tấn công rất nhiều lần trong các tháng qua, bất chấp việc cả hai bên đều biết sự hiện diện của các quan sát viên ở đó. Nếu chúng tôi không được đảm bảo an toàn và không được tiếp cận đầy đủ, chúng tôi không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình”.
Cuối tuần trước, người đứng đầu phe đối lập tại Donetsk cảnh báo, dường như đang có âm mưu khuấy động một vòng xoáy xung đột mới tại khu vực, song lực lượng này sẵn sàng đối mặt và vẫn theo đuổi đàm phán.
Ông Denis Pushilin, đại diện phe đối lập tại Donetsk nói: “Tới nay các cuộc dàm phán vẫn không đạt bất kỳ kết quả nào, tuy nhiên tiến trình sẽ vẫn được tiếp tục. Chúng tôi sẵn sàng tham gia đàm phán vào bất kỳ thời điểm nào và về bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên các tiểu nhóm chính trị vẫn chưa vượt qua được những mâu thuẫn trước đó và không may là họ không có ý định ở lại thêm để đàm phán nữa. Đây mới là điều gây lo ngại”.
Về phần mình, thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine Olexander Tourtchinov cho rằng, phe đối lập đang tập trung lực lượng để phá vỡ thế phòng ngự của quân đội và những hành động khiêu khích nhằm vào phái bộ của OSCE cũng không nằm ngoài mục đích chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của quân chính phủ.
Với hơn 6.800 dân và đang phải trải qua 16 tháng khủng hoảng, miền Đông Ukraine đang một lần nữa chứng kiến sự leo thang trở lại tình trạng bạo lực đẫm máu và theo nhà phân tích, thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 2 vừa qua cũng khó tránh nguy cơ chịu chung số phận với tất cả các thỏa thuận trước đó./.