Nhà dịch tễ học người Indonesia từ Đại học Griffith, Australia, ông Dicky Budiman giải thích, việc “đạt miễn dịch cộng đồng là không dễ dàng và không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Không nên tạo ra các hi vọng giả về khả năng miễn dịch cộng đồng cho người dân”.
Theo nhà dịch tễ học này, hiện tại, tỷ lệ lây truyền biến thể Delta ở Jakarta vẫn ở mức cao do đó các quan chức phải cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin. Không có vaccine nào có hiệu quả 100%, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm các ca mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong và gánh nặng cho nhân viên y tế, trong khi ở Jakarta, đại dịch vẫn đang kéo dài và nguy hiểm. Những tuyên bố này sẽ gây ra tâm lý chủ quan trong người dân.
Cho đến nay, không có quốc gia nào báo cáo về khả năng miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều ca mắc biến thể Delta ở một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ, nơi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt tới 70%. Do đó, giấc mơ đạt miễn dịch cộng đồng ở Jakarta là điều “hão huyền”. Theo nhà dịch tễ học Dicky Budiman, trọng tâm hiện tại của chính phủ là truy vết, xét nghiệm và điều trị trong khi chờ đợi sự phát triển của vaccine Covid-19 trong tương lai.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học từ Đại học Sebelas Maret State (UNS) ở Surakarta, Indonesia ông Tonang Dwi Ardyanto cho biết một khu vực được cho là đã đạt đến miễn dịch cộng đồng nếu khu vực đó bị đóng cửa và mức độ lây truyền Covid-19 phải được xác định. Do đó, Jakarta không thể được cho là đã đạt đến miễn dịch vì khi vực này vẫn mở cửa với sự di động của người dân.
Trước đó, Phát ngôn Cảnh sát Jakarta tuyên bố: "Thủ đô Indonesia đã đạt miễn dịch cộng đồng sau khi 95,5% dân số đã được tiêm 1 liều vaccine Covid-19, vượt xa so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 70%”. Tuy nhiên ông Tonang Dwi Ardyanto cho rằng, dân số của Jakarta theo Cơ quan dữ liệu trung ương là 10,56 triệu dân.
Dữ liệu tiêm chủng của chính quyền Jakarta cho biết có 71,1% người cao tuổi đã tiêm vaccine Covid-19, còn lứa tuổi từ 18-59 tuổi tỷ lệ tiêm chủng mới đạt 42,7%. Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em cũng mới chỉ bắt đầu. Như vậy, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở Jakarta chưa thể đạt đến ngưỡng 70%. Thêm vào đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngưỡng 70% người dân đã tiêm chủng để đạt miễn dịch nghĩa là mỗi người cần được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine.
Trong thời gian qua, thủ đô Jakarta của Indonesia đã tăng tốc tiêm chủng vaccine Covid-19 khi Tổng thống Joko Widodo ra lệnh thủ đô này hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số trong tháng 8 để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó cho thủ đô Jakarta khi thời hạn sắp hết trong khi tỷ lệ những người nhận mũi tiêm thứ hai còn rất ít.
Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan ngày 19/8 thừa nhận, việc tăng tốc tiêm chủng liều hai cho cư dân là không thể điều này phụ thuộc rất nhiều vào loại vaccine mà công chúng nhận được, chẳng hạn như với AstraZeneca, khoảng cách giữa hai 2 liều phải là 12 tuần. Chỉ số dương tính ở thủ đô Jakarta hiện là 7,6%, vẫn cao hơn so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 5%. Hiện nay thủ đô Jakarta vẫn ở dưới chế độ Giới hạn hoạt động cộng đồng cấp 4, cấp cao nhất, kéo dài tới ngày 23/8.
Trước đó, sau khi Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu đạt miễn cộng đồng trên đảo Java và Bali vào tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia kiêm Điều phối viên Giới hạn hoạt động cộng đồng trên đảo Java-Bali, ông Luhut Pandjaitan cũng thừa nhận, mục tiêu này là một điều khó khăn. Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh: Indonesia đang chuẩn bị tất cả để ngăn chặn dịch bệnh, tuy nhiên khả năng miễn dịch cộng đồng rất khó đạt được vì hiệu quả của mỗi loại vaccine không phải là 100% trong khi ngày càng có nhiều biến thể xuất hiện, đặc biệt biến thể Delta hiện đang chiếm ưu thế.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận hơn 3,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 122.000 người đã tử vong./.