Ngay sau khi 2 chiếc máy bay này cất cánh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng, hai máy bay chiến đấu Tornado của Không lực Hoàng gia Anh đã bay trên bầu trờ Iraq và đã sẵn sàng được sử dụng để tấn công trong trường hợp xác định được các mục tiêu cần tiêu diệt”.
Trước đó, ngày 26/9, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu với tỷ lệ 542 phiếu ủng hộ và 43 phiếu phản đối việc Thủ tướng Anh David Cameron ra quyết định tham gia vào liên quân chống IS do Mỹ khởi xướng.
“Đây không chỉ là mối đe dọa ở một nơi xa xôi trên thế giới. Nếu không tấn công trước, chúng ta có thể bị bọn khủng bố tiến vào đe dọa Địa Trung Hải và các nước thành viên NATO và chúng đã tuyên bố rõ ràng ý định tấn công nước Anh và người dân Anh”, ông Cameron tuyên bố trước Quốc hội.
Ngày 27/9 là lần đầu tiên máy bay Anh bay trên bầu trời Iraq mang theo các loại vũ khí tấn công kể từ khi IS giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq vào đầu tháng 6.
Theo BBC, được trang bị bom và tên lửa dẫn đường bằng laser và có một máy bay tiếp nhiên liệu hộ tống, hai chiếc máy bay này sau đó đã quay trở về căn cứ mà không hề tiến hành bất kỳ một cuộc không kích nào.
Ngoài hai máy bay nói trên, Anh cũng đưa máy bay do thám Rivet Join trinh sát tại khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nhấn mạnh việc tăng cường các hoạt động do thám có thể giúp xác định vị trí các đoàn xe của IS. Ông Fallon cũng cảnh báo chiến dịch không kích sẽ phải kéo dài.
Cùng ngày, Quốc hội Bỉ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 114 ủng hộ và 2 phản đối việc Bỉ tham gia liên minh với Mỹ, trong khi Đan Mạch đã tuyên bố sẽ gửi máy bay chiến đấu của mình.
Sáu máy bay chiến đấu F-16 của Bỉ đã cất cánh đến một căn cứ tại Hy Lạp ngay trước khi việc bỏ phiếu được tiến hành.
Trong khi đó, ngày 26/9, Thủ tướng Đức bày tỏ sự ủng hộ việc không kích IS nhưng tuyên bố sẽ không đưa máy bay tham chiến./.