Một mặt trận mới vừa được mở ra trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đó là việc Moscow ngày 25/2 lên tiếng cảnh báo sẽ tạm ngưng nguồn cung khí đốt cho nước láng giềng Ukraine, nếu Kiev không thanh toán trước cho các lô hàng tiếp theo. Lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn sau tuyên bố của Nga, Liên minh châu Âu đẩy mạnh việc họp bàn để thành lập một Liên minh Năng lượng nhằm đối phó với Nga.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Síp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine nếu Kiev không thanh toán trước trong 3 đến 4 ngày tới. Như một tín hiệu cảnh báo với châu Âu, Tổng thống Nga nói thêm rằng, việc gián đoạn nguồn cung có thể phát sinh ảnh hưởng đến khí đốt chuyển tới các đối tác châu Âu.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin hy vọng, hoàn cảnh vừa nêu sẽ không xảy ra; đồng thời nhấn mạnh, điều này phụ thuộc vào việc tuân thủ các kỷ luật tài chính của các đối tác Ukraine.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin chỉ trích quyết định của chính quyền Ukraine khi từ chối cung cấp khí đốt cho vùng Donetsk và Lugansk từ nhiều tháng qua trong bối cảnh chiến tranh làm đường ống khí đốt bị hư hại và khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ.
Moscow cho rằng Kiev đã không tôn trọng hợp đồng ký kết từ tháng 10/2014, bởi việc cung cấp khí đốt cho khu vực dân cư 4 triệu người là một phần trong thỏa thuận giữa Naptogaz và Gazprom. Tổng thống Putin coi việc Kiev trừng phạt người dân khu vực miền Đông bằng biện pháp cực đoan là một “minh chứng cho tội diệt chủng”.
“Tôi không rõ điều gì đã xảy ra với các đường ống khí đốt, song tôi biết rằng khu vực này là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người. Hãy thử tưởng tượng xem họ sẽ ra sao nếu không có khí đốt trong mùa đông, đặc biệt khi tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) đánh giá nơi đây đang xảy ra một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng. Giờ nguồn khí đốt của họ lại bị cắt. Có thể coi đây là dấu hiệu của tội diệt chủng”, ông Putin cho hay.
Trước cảnh báo của Nga, đại diện tập đoàn Năng lượng Ukraine Naptogaz cáo buộc, nhiều ngày gần đây, Gazprom đã “khóa bớt van khí đốt”, làm giảm 50% lượng khí đốt cung cấp cho nước này. Chính vì thế Kiev quyết định không thanh toán khoản tiền tiếp theo với lý do chưa nhận đủ lượng khí đốt tương ứng với số tiền nước này đã thanh toán trước.
Yêu cầu Gazprom giải thích việc không thực hiện đơn hàng khí đốt ngày 22/2, Naptogaz cho rằng thay cho việc thực hiện đơn hàng cung cấp 114 triệu m3 khí đốt theo hợp đồng, Gazprom chỉ cung cấp có 47 triệu m3. Cơ quan này đã gửi thông báo việc vi phạm hợp đồng của phía đối tác Nga lên chính phủ Ukraine và Ủy ban châu Âu. Hiện Ukraine còn chưa đầy 291 triệu m3 khí đốt, chỉ đủ dùng trong 1-2 ngày tới.
Việc Nga tuyên bố có thể cắt giảm lượng cung khí đốt cho các quốc gia tham gia chia sẻ khí đốt với Ukraine, giới chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu cảnh báo cho Liên minh châu Âu biết rằng, Nga sẵn sàng trả đũa nếu Phương Tây tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Trước động thái được cho là gây áp lực của Nga càng khiến EU đẩy nhanh việc họp bàn về thành lập một Liên minh Năng lượng, Dự án được cho là mang tính chiến lược về kinh tế, nhằm mục đích đa dạng nguồn cung khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga sẽ được chính thức công bố trong ngày 26/2 tại Brussels.
Ủy viên châu Âu phụ trách về năng lượng Miguel Arias cho biết, dự án vừa nêu bao gồm ưu tiên tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng như Nauy, Azerbaijan, Turkmenistan, thậm chí là Iran. Cùng với đó, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, sẽ nỗ lực dàn xếp sự bất đồng giữa Ukraine và Nga trong cuộc họp về tranh chấp về khí đốt vào ngày 2/3 tới, nhằm bảo đảm nguồn trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu không bị gián đoạn.
Hiện EU đang xem xét sẽ sử dụng nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng khá lớn đang lưu trữ trong các kho, để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt nếu nguồn cung khí đốt từ Nga lại bị gián đoạn. Lượng hóa lỏng này có thể đáp ứng 16% nhu cầu khí đốt hiện nay của các nước châu Âu.
Giới quan sát nhận định, khí đốt được coi là vũ khí quan trọng của Nga trong cuộc đấu chính trị với châu Âu. Tuy nhiên, việc ngưng cung cấp khí đốt lần này có thể là động thái để Nga gây sức ép lên Ukraine trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Và, nếu cuộc chiến khí đốt thực sự xảy ra, không chỉ châu Âu và Ukraine gặp khó khăn mà ngay cả nước Nga cũng sẽ chịu thiệt vì doanh thu bị giảm.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, cung ứng trên 30% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu. Ngược lại, châu Âu cũng là khách hàng lớn nhất của Nga, hàng năm Tập đoàn Gazprom đạt doanh thu 80 tỉ USD từ các khách hàng châu Âu, chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn. Vì thế, nếu nguồn thu này giảm thì chính Gazprom cũng sẽ bị thiệt hại./.