Cùng với vấn đề khi nào Anh rời khỏi EU hay tác động của việc nước đầu tiên dọn khỏi ngôi nhà chung Liên minh châu Âu, cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh thay thế ông David Cameron cũng đang nóng lên từng ngày.
Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Cameron thông báo từ chức để người kế nhiệm có trách nhiệm khởi đầu các cuộc đàm phàn khó khăn về mối quan hệ mới với EU, cũng như quyết định khả năng tiến hành cuộc bầu cử sớm.
Thủ tướng Cameron thông báo từ chức để người kế nhiệm có trách nhiệm khởi đầu các cuộc đàm phàn khó khăn giữa EU và Anh. (ảnh: Getty). |
Cho tới nay, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May là hai ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc đua kế nhiệm ông Cameron. Hai ứng cử viên này đứng về hai phe đối lập của việc “ra đi” hay “ở lại” EU.
Bà Theresa May là nhân vật ủng hộ quan điểm Anh ở lại EU, còn Bộ trưởng Michael Gove là một trong những thủ lĩnh dẫn đầu phe vận động kêu gọi Anh rời khỏi EU.
Trong một tuyên bố nhằm vào đối thủ hôm qua, ông Michael Gove cho rằng, nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Anh phải là một người ủng hộ chiến dịch Anh rời EU: “Một điều mà tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng ai là Thủ tướng tiếp theo của đất nước cũng nên bảo vệ và tin vào sứ mệnh mà người dân Anh giao phó. Bà Theresa đã không bảo vệ cho điều này và cũng không tính đến trường hợp Anh rời khỏi Liên minh châu Âu".
Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân với phe “ rời khỏi EU” giành chiến thắng, nhưng giới quan sát nhận định bà Theresa hiện là ứng cử viên sáng giá nhất, đặc biệt sau khi cựu Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson tuyên bố rút khỏi cuộc đua tranh vị trí Thủ tướng.
Là người ủng hộ phe ở lại nhưng bà Theresa May lại tỏ ra khá cân bằng khi vừa trung thành với ông Cameron, vừa nhượng bộ yêu cầu của những người ủng hộ đảng Bảo thủ, khi kêu gọi cải cách các điều luật cho phép mọi công dân EU tự do sinh sống ở Anh.
Liệu bà Theresa May có phải là nữ Thủ tướng Anh thứ hai, sau "bà đầm thép" Margaret Thatcher hay không? (ảnh: independent.co.uk). |
Trong chiến dịch vận động, bà Theresa May cũng cam kết sẽ tuân theo mong muốn của cử tri rời EU: “Brexit nghĩa là Brexit. Các chiến dịch vận động đã được thực hiện và cuộc bỏ phiếu đã diễn ra với lượng cử tri muốn rời EU cao. Chính vì vậy sẽ không có nỗ lực giữ Anh ở lại EU , không nỗ lực tái gia nhập EU qua cửa sau hay không có cuộc trưng cầu ý dân thứ 2. Đất nước đã bỏ phiếu rời khỏi EU, nhiệm vụ của chính phủ và quốc hội đó là thực hiện theo kế hoạch đó”.
Là Bộ trưởng Nội vụ, bà Theresa May cũng nhận được sự ủng hộ cao các nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ. Bà cũng là người có lập trường cứng rắn trong các vấn đề như nhập cư lậu, tội phạm hay tuyên truyền Hồi giáo... Truyền thông Anh còn khẳng định Bộ trưởng Nội vụ Anh là nhân vật duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái đang bất đồng trong nội bộ Đảng Bảo thủ Anh hiện nay.
Thủ tướng mới của nước Anh sẽ được lựa chọn trước mùng 9/9 tới. Chưa biết liệu bà Theresa May có phải là nữ Thủ tướng Anh thứ hai, sau "bà đầm thép" Margaret Thatcher hay không, nhưng lãnh đạo mới của nước Anh chắc chắn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức giải quyết những hậu quả Brexit./.