Trong diễn biến mới nhất liên quan đến sự bất ổn trên chính trường Iran, ngày 26/8 Bộ trưởng Kinh tế Masoud Karbasian đã bị Quốc hội nước này bỏ phiếu bãi nhiệm với lý do thiếu khả năng xử lý khủng hoảng kinh tế và đối phó các lệnh cấm vận của Mỹ. Đây là đòn giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Rouhani trong bối cảnh ông liên tiếp chịu sức ép phải cải tổ đội ngũ kinh tế của mình, cùng những chỉ trích trong nước về xử lý khủng hoảng kinh tế, vốn càng nghiêm trọng hơn khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt.   

iran_ofsg.jpg
Những bất ổn trên chính trường Iran dường như cho thấy Cộng hòa Hồi giáo này đang thấm đòn trừng phạt của Mỹ. Ảnh minh họa: MR Online

Do có sự phản đối ở trong nước về cách thức ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Mỹ, Bộ trưởng kinh tế Masoud Karbasian đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội khi chỉ nhận được sự ủng hộ của 121 nghị sĩ trong khi số nghị sĩ phản đối là 137 cùng với 2 phiếu trắng. 

Ông Masoud Karbasian là thành viên thứ 2 trong Nội các của Tổng thống Iran Rouhani bị bãi nhiệm trong tháng 8 này, sau Bộ trưởng Lao động Ali Rabiei. Hồi tháng 7, Tổng thống Rouhani cũng đã cách chức và thay thế Thống đốc Ngân hàng Trung ương Valiollah Seif, sau khi đồng nội tệ xuống mức thấp nhất so với đồng USD.

Các nghị sỹ Iran đã chỉ trích Bộ trưởng Kinh tế Masoud Karbasian vì thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tiền tệ, cũng như ngăn chặn lạm phát tăng cao và thiếu khả năng đối phó với cuộc chiến tranh kinh tế mà Mỹ phát động. Trước đó vào đầu tháng 8, Quốc hội cũng đã luận tội Bộ trưởng Lao động Ali Rabiei với lý do ông này không giải quyết thỏa đáng nạn thất nghiệp, mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo ở mức 12% trong năm nay.

Đây được coi là những đòn giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Rouhani, người có quam điểm khá ôn hòa và muốn chống tham nhũng, thúc đẩy minh bạch cũng như muốn mở cửa nền kinh tế với phương Tây bằng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Tuy nhiên kinh tế suy sụp và thỏa thuận hạt nhân Iran “chông chênh” do sự rút lui của Mỹ, phe cứng rắn ở Iran đang tận dụng sự phân hóa giàu-nghèo cùng sự lao dốc của đồng nội tệ để đổ trách nhiệm cho đội ngũ kinh tế của Tổng thống Rouhani cũng như muốn làm suy yếu chiến lược kinh tế của ông. Ngày 28/8, Tổng thống Iran sẽ đối mặt với cuộc chất vấn tại Quốc hội, thậm chí còn có lời kêu gọi luận tội ông.

Trong bài phát biểu ngày 26/8, Tổng thống Rouhani kêu gọi đoàn kết quốc gia, cho rằng, nước này cần chung tay đối mặt với những mối đe dọa  từ bên ngoài, đồng thời tái khẳng định cam kết sẽ làm việc để cải thiện đời sống của người dân.

Đại giáo chủ Iran, Ali Khamenei, người có tiếng nói sau cùng trong các vấn đề đại sự của Iran cũng kêu gọi người dân chung tay đối phó với cuộc chiến tâm lý và chiến tranh kinh tế do bên ngoài phát động: “Chúng tôi không bao giờ phát động cuộc chiến, chúng tôi tự hào rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa bao giờ phát động xung đột. Chúng tôi đã có những cuộc chiến tranh nhưng là do đối phương luôn khơi mào trước. Chúng tôi sẽ đáp trả bằng sức mạnh nếu chiến tranh được phát động nhằm vào chúng tôi”.

Có thể nhận rõ, sức ép đối với Tổng thống Rôhani nhanh chóng được đẩy lên cao ngay sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân, tái áp đặt các lệnh cấm vận và sắp tới đây sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu và ngân hàng của Iran nhằm ép Iran thực hiện cái gọi là “thay đổi hành vi ở Trung Đông”.

Tình hình kinh tế của Iran xấu đi trong những tháng gần đây. Các chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu BMI (Anh) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ giảm xuống 1,8% trong năm nay và tăng trưởng âm vào năm sau. Kể từ tháng 4 đến nay, đồng Rial của Iran đã mất giá khoảng 50%.

Ảnh hưởng của việc Mỹ cấm vận đang thể hiện rõ nét, song Tổng thống Iran đang ứng phó bằng cách tham vấn với các nước châu Âu để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Phe chỉ trích chính sách Iran của Tổng thống Mỹ cho rằng, cấm vận Iran nhằm làm tê liệt nền kinh tế đang gây ra những “tác dụng ngược: bởi, chính quyền Mỹ vô hình trung làm suy yếu phe chính trị ôn hòa đang nắm quyền ở Iran và “tiếp sức”cho phe cứng rắn, lực lượng không muốn mở cửa Iran với thế giới bên ngoài)./.