Kết thúc chuyến công du Trung Đông nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình khu vực giữa Israel và Palestine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 30/6 khẳng định, các bên đã đạt được những “bước tiến thực sự” để có thể nối lại hòa đàm.

Trên thực tế, vấn đề hòa bình Trung Đông không dễ dàng giải quyết như vậy, các nguồn tin ngoại giao và báo chí đánh giá, ông Kerry kết thúc chuyến thăm Trung Đông với “thất vọng to lớn”.

ngoai-truong-kerry.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (ảnh: Fox News)

Phát biểu trước khi rời Israel hôm 30/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông “ấn tượng” với những cam kết mà nhà lãnh đạo các bên đưa ra. Ông John Kerry kết thúc chuyến thăm Trung Đông mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào giữa Israel và Palestine để tiến tới nối lại cuộc hòa đàm, vốn bị đình trệ trong thời gian dài vừa qua. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh, chuyến thăm Trung Đông của ông lần này đã đạt được một số bước tiến trong việc nối lại đàm phán hòa bình khu vực: “Tôi tin rằng, nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực, các cuộc đàm phán có thể sẽ được nối lại. Khi chúng tôi bắt đầu, khoảng cách bất đồng là rất lớn, song đến nay nó đã được thu hẹp đáng kể”.       

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, không thể kéo dài tình trạng đình trệ đàm phán hiện nay vì nó sẽ tiếp tục bào mòn sự tin tưởng giữa các bên, thay vào đó là thúc đẩy sự thù địch và cơ hội tiến tới đàm phán sẽ vụt mất. Ông sẽ sớm trở lại khu vực này để tiếp tục sứ mệnh hòa bình Trung Đông.

Trong khi đó, theo một nguồn tin ngoại giao từ Jerusalem, sứ mệnh hòa bình Trung Đông của ông Kerry đã kết thúc với “sự thất vọng to lớn”, bất chấp những tuyên bố tích cực từ tất cả các bên về khởi động lại tiến trình đàm phán. Nguồn tin giấu tên cho biết, Ngoại trưởng Mỹ muốn thúc đẩy một Hội nghị thượng đỉnh 4 bên, thúc giục Israel và Palestine sớm tổ chức một cuộc gặp cấp cao ngoại giao tại Jordan. Những bất đồng sâu sắc giữa Israel và Palestine trong vấn đề xây dựng nhà định cư, việc thả tù nhân Palestine… là rào cản và khiến các bên “phớt lờ” đề xuất đàm phán của Ngoại trưởng Mỹ.

“Sứ mệnh Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đạt được một số bước tiến, song không có gì là đột phá”; “Ngoại trưởng Mỹ đã thất bại trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình Israel-Palestine” là tiêu đề những bài viết mà báo chí nước ngoài dành cho chuyến công du Trung Đông của ông Kerry.

Trong 3 ngày tới Trung Đông, lịch trình của ông Kerry xếp kín với những chuyến bay liên tiếp giữa Israel tới Palestine và 3 cuộc gặp riêng rẽ luân phiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Các nguồn tin từ phía Palestine cho biết, những cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Abbas đều không đạt được đột phá nào. Đây là chuyến thăm Trung Đông thứ 5 của ông J. Kerry trong vòng 3 tháng qua, từ khi ông nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ. Những nỗ lực ngoại giao con thoi của ông Kerry nhằm thúc đẩy hòa bình Trung Đông là không thể phủ nhận.

Trong chuyến thăm thứ 3 tới Trung Đông tháng 4 vừa qua, ông Kerry đã khẳng định "việc nối lại tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine là nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ". 

Trong khi đó, phát biểu khai mạc cuộc họp nội các Israel sáng 30/6, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh, bất cứ thỏa thuận về đàm phán hòa bình nào với Palestine sẽ phải được đưa ra trưng cầu ý dân tại Israel. Ông Netanyahu khẳng định, Israel sẵn sàng nối lại đàm phán ngay lập tức nếu không có điều kiện tiên quyết nào được đưa ra.“Israel đang chuẩn bị cho đàm phán mà không có bất cứ trì hoãn hay điều kiện tiên quyết nào," ông Netanyahu nói. "Chúng tôi sẽ không tạo thêm rào cản nhằm nối lại đàm phán hòa bình với Palestine. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều vấn đề lớn tại bàn đàm phán, trong đó có vấn đề an ninh. Sẽ không có thỏa thuận nào nếu an ninh và sự an toàn của người dân Israel bị đe dọa”.

Có thể thấy, tuyên bố sẵn sàng đàm phán của nhà lãnh đạo Israel lại chính là điều kiện của nước này để trở lại bàn thảo luận. Các trang mạng điện tử Israel hôm 30/6 đưa tin, Thủ tướng Netanyahu đã không chấp nhận việc thả một số tù nhân Palestine đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố và "nút thắt chính" vẫn là yêu cầu từ Palestine với Israel về việc ngừng hoạt động xây dựng nhà tái định cư tại Đông Jerusalem và Khu Bờ Tây, vốn là nguyên nhân khiến hòa đàm Trung Đông sụp đổ từ cuối năm 2010.

Về phần Palestine, chắc chắn sẽ không chấp nhận đàm phán nếu phía Israel tiếp tục xây nhà tái định cư trên phần đất chiếm đóng. “Nói một đằng, làm một nẻo” là những gì mà Israel và Palestine đang thể hiện. Nó khiến cho hòa bình Trung Đông là điều quá xa vời, bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ./.