Ngày 13/4, Liên minh quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu đã phủ nhận cáo buộc của quân đội Syria liên quan đến vụ không kích một kho vũ khí hóa học của IS ở miền Đông nước này khiến hàng trăm người thiệt mạng do chất độc phát tán.

may_bay_my_nem_bom_is_syria_mcea.jpg
Máy bay Mỹ ném bom các mục tiêu khủng bố ở Syria. (Ảnh: hangthebankers)

Đây là tranh cãi mới nhất giữa chính phủ Syria, các nước phương Tây và Nga trong việc lực lượng nào sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Trong thư gửi hãng tin Reuters (Anh), người phát ngôn liên minh, Đại tá Không quân Mỹ John Dorrian khẳng định liên quân không tiến hành bất kỳ cuộc không kích nào tại tỉnh Deir al-Zor vào ngày 12/4. Quan chức này bác bỏ các thông tin quân đội Syria đưa ra đồng thời cáo buộc phía Syria "cố ý đánh lạc hướng" thông tin.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có thông tin về những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công do liên quân tiến hành tại khu vực tỉnh Deir al-Zor của Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã triển khai máy bay không người lái để kiểm tra tình hình khu vực.

Trung Quốc kêu gọi điều tra đầy đủ việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Trung Quốc lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria gây thương vong cho dân thường. Trung Quốc cũng phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học tại bất cứ quốc gia nào, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, vì bất cứ mục đích nào. Trung Quốc ủng hộ Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) và các tổ chức của Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra vô tư và toàn diện về vấn đề này để đưa các thủ phạm ra trước công lý”.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các vụ không kích nhằm vào một thị trấn ở tỉnh Deir al-Zor hôm 12/4 đã khiến 7 dân thường thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Trong khi đó, quân đội Syria cho biết vụ không kích khiến các chất độc phát tán ra ngoài và "hàng trăm người, trong đó có nhiều dân thường" thiệt mạng.

Ngoài ra, phía chính phủ Syria cũng cho rằng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có nơi trữ khí độc cho thấy tổ chức này "sở hữu vũ khí hóa học".

Việc lực lượng nào đang sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến Syria là đề tài tranh cãi của chính phủ Syria, Nga và các nước phương Tây. Mỹ cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công hóa học nhằm vào một thị trấn hôm 4/4 gây thương vong cho dân thường ở Syria. Với lý do này, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ Sharyat của Syria ở tỉnh Homs, khiến căn cứ này gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Sau khi Mỹ không kích vào căn cứ không quân của Syria, liên minh do nước này dẫn đầu đã giảm tần suất không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria với lý do cẩn trọng trước khả năng chính phủ Syria đáp trả các cuộc không kích này./.