Ngày 1/9/2014, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã tiến hành Phiên họp Đặc biệt về “tình hình nhân quyền tại Iraq trong bối cảnh những vi phạm do Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các nhóm vũ trang khác gây ra” theo yêu cầu của 30 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và 30 nước quan sát viên, trong đó có Iraq.
Phó Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc và đại diện các cơ chế Liên Hợp Quốc liên quan đã có các phát biểu khai mạc báo cáo tình hình nhân đạo và quyền con người tại một số vùng của Iraq bị Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS/ISIS) tấn công, chiếm đóng trong vài tháng gần đây; gây ra thương vong cho nhiều thường dân, đặc biệt thông qua các biện pháp như bắt cóc tống tiền, tra tấn, hành quyết hàng loạt; ép buộc cải đạo đối với các cộng đồng tôn giáo thiểu số, cưỡng ép tuyển mộ và sử dụng lính trẻ em và nô lệ tình dục… vi phạm nghiêm trọng nhiều quyền con người và tự do cơ bản, nhất là các quyền được sống, quyền được đối xử nhân đạo, tự do tôn giáo tín ngưỡng, các quyền của trẻ em, phụ nữ, các nhóm thiểu số….
Phát biểu của hơn 30 thành viên và 40 quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền đều khẳng định lên án các hành vi của Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo; đặc biệt là việc bắt giữ làm nô lệ, tra tấn, hành quyết hàng loạt… các tù binh và thường dân, trong nhiều trường hợp có thể cấu thành tội phạm chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và tội diệt chủng.
Phát biểu của các nước, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng nhấn mạnh sự nguy hiểm của Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khi khai thác triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội để truyền bá tư tưởng cực đoan và các hành động bạo lực của mình.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva khẳng định là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam theo dõi sát sao và chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình bạo lực tại Iraq, lên án các hành vi bạo lực chống lại thường dân, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
Việt Nam khẳng định các quyền con người chỉ có thể được bảo vệ và thúc đẩy khi hoà bình và ổn định được tái lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc được tôn trọng. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Iraq và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế theo hướng này.
Sau phần thảo luận sôi nổi, kéo dài, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Iraq với nội dung chính là lên án các hành vi khủng bố, bạo lực chống lại thường dân của Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, và yêu cầu Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc cử một đoàn công tác tới Iraq để tìm hiểu thông tin tại thực địa và có báo cáo tại Khoá 28 Hội đồng Nhân quyền (dự kiến tháng 3/2015).
Ngoài Phiên họp Đặc biệt ngày 1/9, dự kiến trong khuôn khổ Khoá họp lần thứ 27 sắp tới (8-26/9), Hội đồng Nhân quyền cũng sẽ thảo luận và nghe báo cáo cập nhật của Cao uỷ Nhân quyền về tình hình Iraq./.