Đây là chiến thắng lớn nhất của chính phủ Iraq kể từ khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo mở rộng kiểm soát từ tháng 6 vừa qua.
Đột phá này đạt được khi Mỹ lần đầu tiên mở rộng chiến dịch trên không nhằm vào nhóm phiến quân bên ngoài khu vực phía bắc Iraq. Những cư dân chủ yếu là người Shia trong thị trấn Amerli đối mặt với nhiều nguy hiểm do sự chiếm đóng của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Người phát ngôn Lực lượng an ninh Iraq, tướng Qassem Atta cho biết, quân đội Iraq đã vào được thị trấn Amerli và phá vỡ vòng kiểm soát. Đây là một chiến thắng quan trọng và thời điểm này toàn bộ thị trấn Amerli đã được đảm bảo an toàn.
Chiến dịch giải phóng Amerli được phát động sau nhiều ngày chuẩn bị với sự phối hợp giữa lực lượng an ninh Iraq, nhóm vũ trang người Shia và các tay súng người Kurd. Trước đó, các tay súng người Kurd cũng đã phát động một cuộc tấn công lớn nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo, buộc chúng phải rút khỏi một số ngôi làng trong khu vực phía Bắc.
Với đà lợi thế của quân đội Iraq hiện nay, cộng đồng quốc tế cũng đang tích cực tham gia hỗ trợ chính phủ Iraq đẩy lùi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Mỹ cho biết sẽ mở rộng chiến dịch không kích ra ngoài khu vực phía bắc để hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq. Một số thượng nghị sĩ Mỹ hôm qua cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ có các bước đi chiến lược nhằm chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ nhấn mạnh: “Tổng thống Obama là một người thận trọng nhưng có lẽ trong trường hợp này ông ấy đã quá thận trọng. Tôi biết rằng, Bộ ngoại giao và các bên liên quan đang thảo luận những kế hoạch cùng nhau. Hi vọng rằng những kế hoạch này sẽ kết hợp lại thành một chiến lược, khuyến khích sự hợp tác từ cả những quốc gia Ả Rập đang có mối quan tâm chung. Sẽ là đúng đắn khi mọi người hợp tác cùng nhau và bắt đầu cách tiếp cận để đối phó với mối đe dọa thực tế này”.
Đức hôm qua cũng quyết định cung cấp các tên lửa chống tăng và súng máy cho lực lượng người Kurd ở Bắc Iraq để hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Thông cáo của Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ, nước này sẽ đưa 16 nghìn khẩu súng trường, 40 khẩu súng máy, 240 khẩu bazooka, 500 tên lửa chống tăng và 10 nghìn quả lựa đạn cho lực lượng người Kurd. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh đến quyết tâm của Đức đối phó nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Ông Frank-Walter Steinmeier nói: “Nếu chúng ta không cố gắng đẩy lùi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, bất ổn tại Trung Đông sẽ nghiêm trọng hơn. Hậu quả của nó không chỉ tác động đến khu vực mà còn cả châu Âu. Chúng ta cần một sự phối hợp quốc tế để chặn dòng các tay súng nước ngoài tham gia hoặc hỗ trợ tài chính cho nhóm Nhà nước Hồi giáo”.
Thủ tướng Australlia Tony Abbott cũng cho biết, máy bay quân sự nước này sẽ vận chuyển súng đạn đến Irắc để hỗ trợ cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo ông Abbott, chính phủ Mỹ đã đề nghị Australlia giúp vận chuyển các trang thiết bị quân sự, trong đó có vũ khí và đạn dược, như một phần của một nỗ lực đa quốc gia. Máy bay vận tải của Không quân Hoàng gia sẽ cùng với máy bay của những nước khác, trong đó có Canada, Italy, Pháp, Anh và Mỹ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ lực lượng quân đội Iraq, Australlia, Anh, Pháp và trực thăng Mỹ tiếp tục thả hàng viện trợ cho người dân Iraq./.