Theo kế hoạch, hôm nay (12/9), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths sẽ bắt đầu chuyến công du một loạt các quốc gia bao gồm Oman, Yemen và Saudi Arabia, với nỗ lực nối lại vòng hòa đàm giữa các bên trong cuộc xung đột Yemen.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths . Ảnh: UN. |
Chuyến công tác của vị quan chức Liên Hợp Quốc này diễn ra trong bối cảnh vòng hòa đàm Yemen, từng dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8/9 vừa qua tại Geneve, Thụy Sĩ, đã bị đổ vỡ, do sự vắng mặt của đại diện lực lượng nổi dậy Houthi.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ một màn hình trực tiếp được phát đi từ Jordan, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths hôm qua (11/9) cho biết, chuyến công tác của ông lần này tới 3 quốc gia gồm Oman, Yemen và Saudi Arabia, nhằm mục đích phá thế bế tắc cho cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua tại Yemen.
Ông Griffiths hi vọng sẽ tiếp tục gặp đại diện các quan chức chính phủ Yemen tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia – bao gồm cả Tổng thống Mansour Hadi. Còn trong chuyến thăm tới thủ đô Sana’a, Yemen và thủ đô Muscat của Oman, ông Martin Griffiths mong muốn được gặp mặt một số thủ lĩnh của phiến quân Houthi.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc hi vọng sẽ hoàn thành được hai nhiệm vụ lớn trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa ông với từng bên riêng rẽ: “Tôi có 2 việc cần làm. Một là xây dựng được lòng tin giữa Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi, trong đó tôi sẽ thảo luận chi tiết việc trao trả tù binh giữa hai bên và mở cửa trở lại sân bay tại thủ đô Sana’a – đang do lực lượng phiến quân kiểm soát. Hai là, tôi muốn nhận được sự đảm bảo chắc chắn của cả hai bên về việc sẽ tới đàm phán khi nhận được lời mời từ Liên Hợp Quốc.”
Bất chấp vòng hòa đàm Yemen dự kiến diễn ra hôm 6 đến 8/9 vừa qua đã đổ vỡ do sự vắng mặt của phiến quân Houthi, Đặc phái viên Griffiths khẳng định sẽ theo đuổi một giải pháp chính trị cuối cùng cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia nghèo nhất Trung Đông này. Theo ông Griffiths, tiến trình hòa bình cho Yemen đã trải qua những thăng trầm, và sự thụt lùi thời điểm hiện tại chỉ là một “trở ngại tạm thời”.
Tuy nhiên, vị Đặc phái viên cảnh báo, các cuộc leo thang xung đột đang có dấu hiệu gia tăng, trong khi các trợ cấp nhân đạo quốc tế dành cho Yemen đang cạn kiệt dần. Do đó, tiến trình hòa bình Yemen phải được lập tức đẩy nhanh nhằm tránh một sự tụt dốc “tồi tệ” hơn của các thảm họa nhân đạo tại đây, đặc biệt là nạn đói và dịch bệnh.
Ngày 8/9 vừa qua, Ngoại trưởng Yemen Khaled al-Yamani cáo buộc Houthi tìm cách phá hoại các cuộc đàm phán khi đại diện của phong trào này không xuất hiện tại Geneve, Thụy Sĩ hôm 6/9 vừa qua, đồng thời chỉ trích đặc phái viên của Liên Hợp Quốc chưa đủ kiên quyết với Houthi.
Năm 2014, Yemen rơi vào hỗn loạn khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với Chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi, được Liên Hợp Quốc công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen, để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi. Đến nay, các cuộc xung đột giữa các bên vẫn diễn ra bất chấp nỗ lực hòa giải của Liên Hợp Quốc. Ông Griffiths hiện là đặc phái viên thứ 3 của Liên Hợp Quốc trong hồ sơ Yemen, sau khi 2 người tiền nhiệm của ông đã thất bại trong việc thúc đẩy tiến trình hòa đàm giữa các bên./.
Hòa đàm Yemen vừa nhen nhóm nối lại đã có nguy cơ đổ vỡ
Liên quân Arab thừa nhận mắc sai lầm trong vụ không kích ở Yemen