Tòa án New York của Mỹ hôm qua (7/3) ra phán quyết rằng, Liên Hợp Quốc được miễn truy tố trước những khiếu nại của nạn nhân dịch bệnh tả bùng phát sau động đất ở Haiti năm 2010 khiến hàng nghìn người tử vong.

dieu%20tri%20dich%20ta%20o%20haiti.jpg
Điều trị dịch tả ở Haiti (ảnh: Reuters)

Năm 2013 bên nguyên đơn là Viện nghiên cứu tư pháp và dân chủ Haiti đã nộp kiến nghị bồi thường lên tòa án New York, Mỹ, với lý lẽ rằng, ít nhất 8.300 người đã chết vì bệnh tả và hơn 679.000 người khác nhiễm bệnh kể từ khi dịch bùng phát tháng 10/2010.

Nguyên đơn phía Haiti cho rằng các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã mang dịch bệnh này từ Nepal đến đây khi tham gia công tác cứu trợ sau động đất từ tháng 1/2010. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Noại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Liên Hợp Quốc, Phái bộ ổn định của Liên Hợp Quốc tại Haiti, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và trợ lý của ông về chiến dịch hỗ trợ cho Haiti đều được miễn trừ truy tố.

Bà Jen Psaki nêu rõ, chính phủ Mỹ thông cảm sâu sắc và chia sẻ với người dân Haiti về những mất mát của họ song cũng nhấn mạnh rằng, nước Mỹ có nhiệm vụ pháp lý phải bảo vệ quyền miễn trừ truy tố đối với Liên Hợp Quốc và các quan chức Liên Hợp Quốc, cơ quan đóng trụ sở tại New York.

Trước đại dịch tả năm 2010, Haiti không có trường hợp mắc bệnh tả nào trong suốt 150 năm. Căn nguyên bùng phát dịch tả ở Haiti là từ nguồn nước của con sông chảy qua 1 khu trại tạm của Liên Hợp Quốc, nơi binh sỹ Nepal đóng quân. Chủng vi khuẩn tả bùng phát ở Haiti cũng được cho là chủng vi khuẩn tả được phát hiện trước đó ở Nepal.

Ngoài việc cho rằng các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc mang dịch tả đến Haiti, bên nguyên đơn cũng cáo buộc rằng tổ chức này đã không thể đảm bảo ngăn chặn đại dịch tả ở đây dù thực tế hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường của Haiti rất yếu kém, dễ dẫn tới việc bùng phát các loại bệnh lây lan qua đường nước uống và sinh hoạt./.