“Bao dung hơn với người tị nạn”, là lời kêu gọi Liên Hợp Quốc đưa ra hôm qua (17/12) tại Diễn đàn toàn cầu đầu tiên về người tị nạn ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Diễn ra một năm sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Hiệp ước toàn cầu về người tị nạn (GCR), sự kiện được kỳ vọng sẽ giúp tạo đà cho nỗ lực quản lý tốt hơn dòng người di cư. Các thống kê mới đây nhất cho thấy, số người di cư trên toàn thế giới hiện chiếm tới 3% dân số toàn cầu.
Làn sóng người tị nạn đổ dồn về các quốc gia châu Âu. (Ảnh: AP). |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đã đến lúc đưa ra câu trả lời công bằng cho các cuộc khủng hoảng người tị nạn thông qua việc chia sẻ trách nhiệm. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần làm nhiều hơn nữa để gánh vác trách nhiệm tập thể của mình. Ông đồng thời đánh giá cao nỗ lực của các nước đang phát triển khi tiếp nhận phần lớn người tị nạn và vì thế cần phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa:
"Tôi luôn bị ngạc nhiên trước sự hào phóng của các quốc gia có thu nhập trung bình và kém phát triển nhất khi họ phải tiếp nhận hàng triệu người tị nạn, với rất ít sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Và tôi đã học được rằng sự hào phóng không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với sự giàu có”, ông Guterres nói.
Ủy viên cấp cao Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi thì nhấn mạnh, khi mọi triển vọng đều không sáng sủa, thì vấn đề đang ngày càng trở nên cấp bách hơn. Đối với các nước giàu chính là giữ “đường biên giới mở” cho các yêu cầu xin tị nạn và mang lại cho họ một sự đối xử công bằng.
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, Diễn đàn toàn cầu lần đầu tiên về người tị nạn đã một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước. Từng nhiều lần cảnh báo mở cửa biên giới cho khoảng 5.000 người tị nạn sang châu Âu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (17/12) “chĩa mũi nhọn” vào các cường quốc phương Tây khi cảnh báo nếu không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tự lo cho chính mình. Ông đồng thời lý giải các chiến dịch mới đây tại Syria là nhằm thiết lập một vùng an toàn với mục tiêu đưa hơn 3 triệu người Syria đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về quê hương.
Các nhà lãnh đạo Costa Rica, Ethiopia và Pakistan, những nước đồng tổ chức sự kiện cùng với Đức và Thổ Nhĩ Kỳ thì nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ tài chính dành cho các nước nghèo và mới nổi. Những nước này hiện phải tiếp nhận tới 80% người tị nạn trên thế giới và luôn trong tình trạng quá tải cả về tài chính và cơ sở hạ tầng.
Theo Ủy viên cấp cao Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi, để biến mong muốn chia sẻ thành hành động, thì các đóng góp tài chính, những hỗ trợ vật chất và thậm chí những thay đổi luật pháp đều là cần thiết để tái định cư người tị nạn.
“3.000 người tham gia đã đăng ký Diễn đàn, một con số ấn tượng. Đối với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, đây là sự kiện lớn nhất được tổ chức liên quan tới vấn đề này. Chúng tôi ước tính có khoảng 700 cam kết. Cam kết đó không chỉ là về tài chính, mà còn thông qua nhiều cách khác nhau”.
Đây là cuộc họp quan trọng nhất do Liên Hợp Quốc tổ chức về chủ đề người tị nạn, trong bối cảnh thế giới chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều người di cư như vậy. Chỉ riêng năm 2018, đã có 71 triệu người, trong đó 26 triệu người tị nạn, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu “di cư an toàn, có trật tự và chính quy có lợi cho mọi bên” lại là điều khó có thể đạt được khi các nước dường như cũng đang tránh né một cuộc tranh cãi mới về vấn đề di cư, trong một thế giới có quá nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay./.