Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Martin Kopler đang có chuyến thăm tới Libya nhằm đánh giá tình hình và kêu gọi các bên liên quan công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

libya_ksoa.jpg
Libya rơi vào bất ổn khi các phe phái tranh giành quyền lực. (Ảnh: AFP)

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua (17/4) với Phó Thủ tướng Libya, đặc phái viên Martin Kopler nhấn mạnh, chính phủ mới được thành lập sẽ giải quyết được những thách thức hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự mở rộng hoạt động của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đảm bảo an ninh.

Theo ông Kopler, nếu các bên đồng thuận với chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, nước này có thể đối phó với những thách thức hiện nay, cả trong vấn đề khủng hoảng nhân đạo.

Dự kiến, hôm nay (18/4), ông Martin Kopler  sẽ tới Tubrug để gặp các thành viên của quốc hội Libya, kêu gọi tất cả các bên liên quan công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc.

Trước đó, trong cuộc họp báo tại Tripoli ngày 30/3 vừa qua sau khi cùng 7 thành viên Nội các từ Tunisia về Libya an toàn bằng đường biển, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj được quốc tế công nhận cam kết sẽ thống nhất các phe phái đối địch tại Libya, đồng thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài vốn đang tàn phá đất nước này.

Từ giữa năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do quốc hội được quốc tế công nhận đã buộc phải chuyển tới Tubrug ở miền Đông sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.

Một chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc trên cơ sở thỏa thuận chia sẻ quyền lực đã được hai bên đối địch chính trị ký kết tại Morocco hồi tháng 12/2015. Tuy nhiên, hiện cả hai phe đối địch đều phản đối chính phủ mới này./.