Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ Somalia trong vòng 1 năm tới để chính phủ nước này có thể tăng cường tiềm lực đối phó với phiến quân. Đây là thông tin được đề cập trong dự thảo nghị quyết dự kiến sẽ được Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua vào tuần tới.

Dự thảo nghị quyết do Anh đề xuất đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an. Trong khi Mỹ ra sức vận động Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua thì Anh và Pháp lại có thái độ thận trọng trước việc dỡ bỏ lệnh cấm này. Theo dự thảo, Liên Hợp Quốc sẽ chỉ dỡ bỏ lệnh cấm song vẫn duy trì hạn chế đối với một số vũ khí hạng nặng như các tên lửa đất đối không và súng thần công đối với Somalia.

Ngày 4/2 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của quốc tế kéo dài 20 năm đối với Somalia nhằm cho phép quân đội nước này có thể nhập vũ khí, phục vụ hiệu quả cuộc chiến chống phiến quân al-Shabad có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Trước đó, vào tháng 10/2012, Liên minh châu Phi cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép Somalia nhập vũ khí và một số khí tài trong bối cảnh nhiều câu hỏi đặt ra cho an ninh tại đây sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi rút khỏi quốc gia Sừng châu Phi này.

Tình hình thiếu vũ khí cũng khiến Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud đệ đơn yêu cầu Liên Hợp Quốc điều chỉnh lệnh cấm vận vũ khí, cho phép chính phủ nước này nhập một số vũ khí, khí tài như súng trường, súng bắn hạng nhẹ, súng cối và lựu đạn. Chính quyền Somalia tin tưởng rằng vũ khí sẽ không rơi vào tay phiến quân al-Shabab, trong khi lệnh cấm vận chỉ nhằm trực tiếp vào phiến quân này chứ không phải là chính quyền Somalia.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Somalia từ năm 1992./.