Ngày 26/8, Đại hội Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội mãn nhiệm Libya hôm qua đã nhóm họp trở lại và chỉ định một nhân vật ủng hộ Hồi giáo đứng ra thành lập “chính phủ cứu quốc”, đồng thời tuyên bố không công nhận Quốc hội mới của Libya nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua.

mohamed_abdelaziz_belgique_zucm.jpgNgoại trưởng Libya Mohamed Abdel Aziz (Ảnh: Reuters)

Động thái này được xem là sẽ đẩy Libya vào tình trạng bế tắc hơn nữa, với 2 chính phủ và 2 quốc hội cùng tồn tại, trong bối cảnh tình hình chiến sự ác liệt tại thủ đô Tripoli và Benghazi đã buộc Quốc hội mới phải dời các phiên họp về thành phố miền Đông Tobruk. Phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Cairo, Ai Cập.

Ngoại trưởng Libya Mohamed Abdel Aziz hôm qua một lần nữa thừa nhận những thách thức nghiêm trọng mà Libya đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

“Xung đột hiện nay tại Libya là giữa những người muốn xây dựng một nhà nước với các thể chế, pháp luật và tính hợp pháp với những kẻ muốn hủy hoại các thể chế và pháp luật”, ông Aziz cho biết.

Chúng tôi đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và các ý thức hệ không thuộc về nhân dân Libya. Vì vậy chúng tôi không quan tâm đến các hoạt động của Đại hội nhân dân toàn quốc bởi nhiệm kỳ của họ đã hết và chính phủ do họ thành lập không còn ý nghĩa gì”, ông Aziz nói.

Theo ông Abdel Aziz, sự can thiệp của quốc tế không nhất thiết là can thiệp quân sự, mà có thể là hỗ trợ huấn luyện quân đội, tạo điều kiện chống các phần tử vũ trang và xây dựng lộ trình chính trị cho giai đoạn chuyển tiếp.

Trong bối cảnh này, chính phủ  các nước Mỹ, Pháp, Đức, Italia và Anh hôm qua đã ra thông cáo chung lên án mạnh mẽ “sự leo thang tình trạng xung đột và bạo lực” ở Libya, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với Quốc hội mới của nước này.

Thông cáo nhấn mạnh, cùng với các nỗ lực của chính phủ lâm thời Libya, của Quốc hội và nhân dân Libya, Mỹ và châu Âu một lần nữa kêu gọi các phe phái tại Libya chấp nhận một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và tham gia một cách xây dựng vào tiến trình chuyển tiếp dân chủ.

Trong thông cáo của mình, những nước này cũng cảnh báo, “mọi sự can thiệp bên ngoài vào Libya chỉ càng làm gia tăng sự chia rẽ hiện nay và hủy hoại quá trình chuyển tiếp dân chủ”.

Cùng ngày, các nước láng giềng của Libya, trong đó có Ai Cập cũng ra thông cáo nhất trí không can thiệp vào công việc nội bộ của Libya, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu hiện nay.

Theo Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri, tình hình tại Libya đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự ổn định tại các quốc gia láng giềng. Diễn biến tại Libya có thể ảnh hưởng tới lợi ích của các nước bên ngoài khu vực, dẫn tới việc can thiệp vào nội bộ Libya.

Tuyên bố được xem là câu trả lời cho những thông tin đồn thổi những ngày qua trên truyền thông Mỹ cho rằng, Ai Cập và các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất đứng đằng sau các vụ không kích hồi tuần trước nhằm vào phe phái Hồi giáo có vũ trang ở thủ đô Tripôli. Trước đó, chính phủ Ai Cập cũng đã bác bỏ tiến hành các vụ không kích cũng như có các hoạt động quân sự khác ở Libya.

Xung đột chính trị leo thang tại Libya trong thời gian qua đã buộc nhiều nhân viên ngoại giao các nước và hàng nghìn lao động người  nước ngoài đi sơ tán hoặc quay trở về nước.

Các cuộc giao tranh kéo dài nhiều tuần qua giữa các nhóm phiến quân có vũ trang tại nước này cũng đã làm hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa./.