Ngày 9/10 tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, đã nổ ra các cuộc biểu tình phản đối việc Liên Hợp Quốc thông báo danh sách ứng cử viên tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại Libya để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

libya_hidy.jpg
Kể từ khi ông Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya liên tục chìm sâu vào dòng xoáy bất ổn. Ảnh AP

Libya đang bị mắc kẹt trong cuộc nội chiến giữa một bên là Chính phủ và Quốc hội được dân bầu (HOR) và được cộng đồng quốc tế công nhận với bên kia là Chính phủ không chính thức và Quốc hội có tên Đại hội Nhân dân Toàn quốc Libya (GNC - tức cơ quan lập pháp cũ) do nhóm vũ trang Bình minh Libya hậu thuẫn và đang kiểm soát thủ đô Tripoli.

Nhằm lập lại hòa bình ở Libya, Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy thành lập một chính phủ đoàn kết hồi đầu năm nay nhưng sau đó các bên vẫn còn bất đồng về mô hình, thành phần cũng như phương thức hoạt động của chính phủ này.

Theo danh sách ứng cử viên tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc mới nhất do Liên Hợp Quốc đề xuất, ông Fayez el-Sarraj giữ vị trí Thủ tướng với 3 Phó thủ tướng đại diện cho ba miền Đông, Tây và Nam Libya.  

Trưởng Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya (UNSMIL) Bernardino Leon tin tưởng, phương án này sẽ khả thi. Tuy nhiên, tình hình thực tế ở Libya cho thấy, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Ngày 9/10 tại Benghazi, nơi đặt chính phủ và quốc hội được cộng đồng quốc tế công nhận của Libya đã có hàng trăm người biểu tình mang theo cờ, biểu ngữ và hình ảnh của Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Nhân dân Libya.

Những người biểu tình này cho biết: “Đó là những người mà ông Bernardino Leon chọn ra, họ không đại diện cho người dân Libya.

Chúng tôi phản đối cuộc đối thoại này ngay từ đầu vì biết rằng mọi chuyện sẽ đi đến nước này. Chúng tôi phản đối chính phủ đoàn kết mà họ đề xuất.

Quốc hội ở Benghazi này chỉ còn vài ngày là hết nhiệm kỳ và nếu không có giải pháp nào thì nó sẽ bị coi là vô hiệu”.

Ở phía bên kia, phái đoàn của Đại hội Nhân dân Toàn quốc Libya trước đó đã cản trở nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Liên Hợp Quốc bằng cách không đề cử ứng viên vào chính phủ đoàn kết vì Quốc hội không được cộng đồng quốc tế công nhận này muốn sửa đổi thêm trong thỏa thuận trước đó.

Mặc dù vậy, danh sách đề cử của Liên Hợp Quốc vẫn có tên những thành viên của Đại hội Nhân dân Toàn quốc Libya. Trưởng Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya Leon cũng khẳng định, cánh cửa cho Đại hội Nhân dân Toàn quốc Libya tham gia vào chính phủ đoàn kết vẫn để ngỏ.

Dự kiến cả 2 Quốc hội đối lập của Libya sẽ bỏ phiếu về đề xuất của Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, cùng ngày, Mỹ và các nước phương Tây gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã ra tuyên bố chung công nhận một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya theo đề xuất của Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố chung nêu rõ, bất cứ sự chậm trễ nào trong việc thành lập một chính phủ đoàn kết cũng sẽ chỉ kéo dài sự chịu đựng của người dân Libya và có lợi cho những kẻ khủng bố lợi dụng bất ổn.

Bốn năm sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ, các cường quốc phương Tây đang thúc đẩy các bên ở Libya chấp nhận thỏa thuận của Liên Hợp Quốc vì lo ngại rằng bạo lực tiếp diễn có thể tạo khoảng trống cho các tay súng thánh chiến Hồi giáo và những kẻ buôn người lợi dụng.

Nhưng vẫn còn nhiều chướng ngại vật còn lại trên con đường tìm đến hòa bình và ổn định của Libya. Đó chính là tranh cãi về vai trò của Tướng Khalifa Haftar, một đồng minh của cựu lãnh đạo Gaddafi, và về quyền của 2 cơ quan lập pháp theo thỏa thuận đoàn kết chính phủ.

Ngoài ra, sau 4 năm bất ổn, đến nay Libya vẫn chưa có quân đội chính thức mà mỗi bên được ủng hộ bằng mối liên minh lỏng lẻo với các nhóm phản đối cựu lãnh đạo Gaddafi, các phe phái bộ lạc và các lữ đoàn từng chiến đấu cho ông Gaddafi nhưng nay trở mặt tranh đấu lẫn nhau./.