Tòa án phúc thẩm Libya ngày 30/11 đã quyết định hoãn phiên xét xử 31 quan chức dưới thời nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi tới giữa tháng 12.

libya_tr_knud.jpg
3 năm sau làn sóng biểu tình lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Gaddafi, đất nước Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng (Ảnh: Reuters)
Theo kênh truyền hình Al-Nabaa, Libya, sau khi tham khảo ý kiến của các luật sư và các bị đơn, tòa án đã quyết định hoãn phiên xét xử thứ 10 tới ngày 14/12 tới. Việc hoãn phiên xét xử là do vấn đề an ninh và kỹ thuật.

Trong số các quan chức dưới chế độ Gaddafi bị xét xử lần này có cả hai con trai của ông Gaddafi là Saadi Gaddafi và Saif al-Islam. Những người này đều bị cáo buộc giết người, bắt cóc, kích động cướp bóc, tham ô ngân quỹ và phá hoại đất nước.

Phiên tòa này được coi là một phép thử lớn đối với tiến trình chuyển giao sang dân chủ của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, 3 năm sau làn sóng biểu tình lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Gaddafi, đất nước Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Hiện tại, lực lượng “Bình minh Libya” đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi Quốc hội dân bầu và chính phủ được quốc tế công nhận của Libya phải chuyển về thành phố Tobruk làm việc.

Từ giữa tháng 7 vừa qua, đụng độ leo thang tại thủ đô Tripoli và thành phố cảng Benghazi giữa các liên minh đối địch ở Libya đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn lao động nước ngoài phải về nước. Hơn 350 người đã thiệt mạng kể từ khi lực lượng được chính quyền hậu thuẫn phát động cuộc tấn công chống lại các tay súng Hồi giáo gần như kiểm soát hoàn toàn thành phố Benghazi hồi tháng 7./.