Các cuộc giao tranh tại Libya ngày càng căng thẳng khi nhóm phiến quân có liên hệ với Al-Qaeda tại Libya hôm qua (31/7) đã giành quyền kiểm soát Benghazi - thành phố lớn thứ 2 nước này. Bạo lực không có dấu hiệu chấm dứt đang đẩy người dân Libya vào khủng hoảng trong khi các nước ồ ạt sơ tán công dân cũng như các nhân viên ngoại giao của mình khỏi quốc gia này.
Kênh truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia hôm qua đưa tin nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã tuyên bố thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo" tại Benghazi, ngay sau khi giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố miền Đông này.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một tháng sau khi nhóm chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIS) công bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, Tướng về hưu Khalifa Haftar đã bác thông tin Benghazi rơi vào tay các lực lượng phiến quân Hồi giáo, đồng thời cho biết lực lượng dân quân tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của mình vẫn đang kiểm soát Benghazi và chỉ rút khỏi một số vị trí vì lý do chiến thuật.
Trong khi đó, các nguồn thạo tin cho hay lực lượng ủng hộ viên tướng về hưu này đã không giữ được quyền kiểm soát Benghazi do các tay súng bộ lạc ở miền Đông đã ngừng bắn theo lời kêu gọi cựu Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp Libya Mustafa Abdel Jalil.
Ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong bối cảnh bạo lực gia tăng giữa các nhóm vũ trang đối địch, nổ ra cách đây 2 tuần tại thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi. Những diễn biến này đang khiến người dân Libya rơi vào tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu nghiêm trọng. Nhiều người đã phải đổ xô tới các cửa hàng thực phẩm và các trạm xăng để tích trữ các nhu yếu phẩm cần thiết khi các cửa hàng này vẫn còn mở cửa.
Một người dân nói: “Tình hình đang ngày càng xấu đi. Tôi phải chuẩn bị thực phẩm để có thể cung cấp cho mọi người trong gia đình. Nhưng hiện chúng tôi chỉ còn đủ cho 2 ngày nữa mà thôi, trong khi nhiều cửa hàng rau hay các đồ thực phẩm đều đã đóng cửa do lo ngại bạo lực”.
Một người khác cho biết: “Không có nhiên liệu, khí đốt. Tất cả những mặt hàng này đều có giá rất cao. Tất cả đều do tình hình bạo lực, do sự chia rẽ về chính trị, quyền lực đang diễn ra ở đất nước này”.
Trước các cuộc giao tranh liên tiếp trong những ngày qua, Quốc hội mới của Libya, được thành lập hồi tháng trước sẽ họp khẩn cấp vào ngày mai (2/8) để thảo luận các biện pháp đối phó.
Trong khi đó, nhiều nước vẫn đang tiếp tục tiến hành công tác sơ tán công dân cũng như các nhân viên ngoại giao của mình khỏi Libya do lo ngại an ninh bất ổn. Sau nhiều cảnh báo sơ tán của Bộ Ngoại giao Ai Cập, hàng loạt kiều dân nước này tại Libya đang đổ về biên giới với Tunisia để đáp các chuyến bay hồi hương. Bộ Ngoại giao Tunisia cho biết, hơn 5.000 người Ai Cập đã sơ tán khỏi Libya qua cửa khẩu với Tunisia trong vài ngày qua.
Phía Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết đang giám sát chặt tình hình và đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên ngoại giao ở Tunisia. Hiện các nhân viên ngoại giao Ai Cập đang được triển khai tại biên giới Tunisia nhằm hỗ trợ kiều dân từ Libya trở về qua hướng này. Trong khi đó, hàng nghìn kiều dân Ai Cập cũng di tản khỏi Libya qua cửa khẩu Salloum nằm trên vùng sa mạc giữa hai nước. Chỉ riêng trong ngày 30/7 đã có gần 2.000 người Ai Cập sơ tán khỏi Libya qua cửa khẩu này.
Hy Lạp sáng 1/8 cũng đã điều một tàu khu trục của Hải quân để chở khoảng 200 công dân nước này và những người nước ngoài khác rời khỏi thủ đô Tripoli. Dự kiến tàu sẽ cập cảng Piraeus của Hy Lạp vào ngày 2/8. Những người được sơ tán gồm các nhân viên ngoại giao và công dân Hy Lạp cùng một số người nước ngoài, trong đó có công dân Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng cho biết nước này tạm thời đóng cửa Đại sứ quán ở Libya do tình hình bạo lực leo thang./.