Kết thúc cái mà các nước phương Tây gọi là chế độ độc tài Gaddafi, những tưởng sẽ mở ra một trang sử mới cho người dân Lybia, nhưng giờ đây dư luận cho rằng quốc gia này đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết với đầy rẫy mâu thuẫn nội bộ, một chính phủ gần như tê liệt và đặc biệt là tình trạng vũ khí tràn lan ở khắp các địa phương.

Vụ Thủ tướng Ali Zeidan mới đây bị một số tay súng bắt giữ đã cho thấy sự yếu kém trong hệ thống an ninh, cũng như sự chia rẽ, mâu thuẫn nội bộ sâu sắc.

lybia_copy.jpg
Lybia vẫn chìm trong bất ổn (Ảnh AFP)

Trong diễn biến mới liên quan vụ việc này, ông Abdelmonem Essid, phụ trách đơn vị chống tội phạm của Bộ Nội vụ Lybia hôm 20/10 thừa nhận đứng đằng sau vụ việc này. Ông Essid cho rằng Thủ tướng Zeidan bị tình nghi có liên quan đến 2 vụ ma túy và tham nhũng.

Trong khi đó, ông Zeidan tại một cuộc họp báo cùng ngày cáo buộc hai nghị sĩ thuộc đảng Hồi giáo Đại hội nhân dân toàn quốc Lybia (GNC) có liên quan đến vụ bắt cóc ông nhằm buộc ông từ chức. Nhưng hai nghị sĩ này đã bác bỏ cáo buộc trên.

Ông Zeidan còn cho biết, không riêng gì ông, các bộ trưởng trong chính phủ cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa của các nhóm vũ trang.

Thủ tướng Zeidan hiện đang đứng trước sức ép cũng như những chỉ trích từ dư luận về việc không thể kiểm soát tình hình đất nước và sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các thành viên đảng Hồi giáo Đại hội nhân dân toàn quốc Lybia và các nghị sĩ độc lập.

Dư luận Lybia cho rằng, tình hình an ninh ở Lybia hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn trước đây, khi đất nước không có một hệ thống chính quyền thực sự cũng như tình trạng vũ khí tràn lan ở khắp các địa phương.

Nghị sỹ Giuma Sayeh cho biết: “Phải nói một cách thành thật rằng, tình hình Lybia ngày nay tồi tệ hơn so với trước. Bởi điều đầu tiên là người dân cần được bảo đảm an toàn, nhưng chúng ta không có an ninh. Thứ hai cái mà chúng ta không có là một hệ thống chính quyền thực sự. Chúng ta không có quân đội, cảnh sát, không có một cơ quan an ninh để ngăn chặn các vấn đề như ma túy, gián điệp”.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, để xây dựng một chính phủ đủ mạnh nhằm bảo đảm an ninh và phát triển đất nước, thì điều quan trọng nhất là các nhóm vũ trang phải giải giáp vũ khí.

Nghị sỹ Giuma Sayeh nhấn mạnh rằng, chính phủ hiện không thể kiểm soát được một lượng lớn vũ khí trôi nổi trong dân chúng, đặc biệt là các nhóm nổi dậy trước đây: “Vũ khí và lực lượng trên đường phố lớn hơn hàng nghìn lần so với lượng vũ khí mà chính phủ có trong tay. Do đó, khi bạn yếu thì bạn không thể điều hành. Nếu chúng ta muốn xây dựng lại đất nước, thì tất cả mọi người phải nộp vũ khí và góp sức với chính phủ”.

Trong cuộc lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Gaddafi cách đây hai năm, máy bay chiến đấu của NATO đã hỗ trợ bằng cách áp đặt một vùng cấm bay và phối hợp với các phiến quân để tấn công mục tiêu quân sự của ông Gaddafi.

Một cuộc điều tra về vũ khí cho biết, hầu hết vũ khí mà lực lượng đối lập thu được là từ các lực lượng của cố nhà lãnh đạo Gaddafi. Thời gian gần đây, việc sở hữu vũ khí cá nhân tại Lybia đã tăng vọt. Tình hình an ninh xấu đi là lý do mà nhiều người dân tìm mua vũ khí để phòng thân và một vòng luẩn quẩn như vậy khiến cho việc sở hữu vũ khí gia tăng.

Một người dân Lybia cho biết: “Hầu hết người dân Lybia đều có súng chứ không riêng gì tôi. Mọi người vẫn phải mang súng trong một số trường hợp. Nếu chính phủ có thể tái thiết đất nước, chúng tôi sẽ nộp vũ khí. Nhưng tôi nộp súng cho ai bây giờ? Nếu chúng ta không thể tái thiết, Lybia sẽ lại rơi vào hỗn loạn. Chúng ta đã không tìm ra giải pháp trong 2 năm qua. Có một chợ mua bán vũ khí ở gần đây và tôi có thể đưa các bạn đến xem”. 

Điều đáng lo ngại hơn là các lữ đoàn còn sót lại sau cuộc nổi dậy chống chế độ trước đây mới là những tổ chức đang sở hữu những kho vũ khí thực sự. Chính phủ Lybia hiện không hoàn toàn kiểm soát được những lữ đoàn này.

Mặc dù trên danh nghĩa, những lữ đoàn nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ hoặc Bộ Tư pháp nhưng thực tế thì không hoàn toàn như vậy.

Theo tờ Independent của Anh, sự phổ biến của thị trường vũ khí ngầm như là một dấu hiệu cho thấy, mặc dù cuộc nội chiến ở Lybia đã kết thúc cách đây hai năm, nhưng sự ổn định vẫn là con đường rất dài và chông gai ở phía trước. Một thực tế cho thấy, các cuộc biểu tình trong mấy tháng qua đã làm cho sản xuất dầu thô của Lybia giảm gần một nửa sản lượng 1,4 triệu thùng/ngày, gây thiệt hại hàng tỷ USD./.