Phe đối lập tại Venezuela đang ráo riết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày mai (16/7) nhằm phản đối việc bầu cử Quốc hội Lập hiến. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và là một dấu hiệu nữa cho thấy sự chia rẽ chính trị sâu sắc tại quốc gia Nam Mỹ này.

bao_loan_venezuela_jofj.jpg
Một cuộc bạo loạn ở Venezuela. Ảnh: CNBC.

Liên Hợp Quốc hôm qua (14/7) đã phải kêu gọi các phe phái đối lập tại Venezuela đối thoại dân tộc khẩn cấp nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Sau thất bại của các cuộc đối thoại nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị và kinh tế, Chính phủ và phe đối lập Venezuela đều đang có những bước đi của riêng mình. Trong khi Chính phủ Venezuela quyết định tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến vào ngày 30/7 tới, hướng tới việc soạn thảo Hiến pháp mới, thì phe đối lập cũng đang ráo riết chuẩn bị cho cho cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày mai nhằm phản đối sáng kiến của Chính phủ, bất chấp sự phản đối của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Theo đề xuất của Tổng thống Nicolas Maduro, Quốc hội Lập hiến sẽ gồm 545 ghế có nhiệm vụ sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 nhằm đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay, thiết lập hòa bình và ổn định.

Tổng thống Maduro cho rằng đây là con đường duy nhất giúp giải quyết bất đồng chính trị: “Việc thành lập Quốc hội lập hiến là nhằm tạo ra sự thay đổi cho đất nước. Venezuela cần sự thay đổi và điều này là cần thiết nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.”

Tuy nhiên, kế hoạch này lại liên tục vấp phải sự tẩy chay và phản đối từ các đảng đối lập. Tình trạng bạo lực leo thang căng thẳng do phe đối lập kích động kể từ đầu tháng 4 vừa qua tại Venezuela đã khiến 95 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương.

Trong bối cảnh này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 14/7 đã kêu gọi Chính phủ và phe đối lập Venezuela đối thoại dân tộc khẩn cấp, tập trung vào việc chấm dứt bạo lực, đảm bảo sự đồng thuận về con đường hướng tới tôn trọng Hiến pháp. Theo ông, chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể mang lại hi vọng cho đất nước và chỉ có người dân Venezuela mới có thể tìm ra giải pháp này thông qua sự đồng thuận, các cuộc bầu cử tôn trọng các quyền cơ bản, cũng như sức mạnh Hiến pháp.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ và phe đối lập Venezuela tham gia một cách chân thành vào các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đặc biệt xung quan các vấn đề quan trọng mà họ đã đồng ý đưa vào chương trình nghị sự, đó là sự cân bằng quyền lực giữa các thể chế Nhà nước, lịch trình bầu cử, nhân quyền, tư pháp và các vấn đề về kinh tế xã hội”.

“Chúng tôi kêu gọi những hành động cụ thể từ tất cả các bên nhằm thu hẹp những bất đồng, cũng như tạo ra các điều kiện cần thiết nhằm giải quyết những thách thức của đất nước vì lợi ích của tất cả người dân Venezuela”.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế đất nước. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 13,7% trong năm nay. Mức độ suy thoái còn sâu sắc hơn cả Hy Lạp vào thời điểm khủng hoảng đỉnh cao về đồng euro./.