RIA Novosti dẫn nguồn tin từ trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 16/8 cho biết, nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày thứ Hai (19/8). Các chuyên gia sẽ tới Syria trong ngày Chủ nhật (18/8), tiến hành cuộc điều tra trong vòng 2 tuần hoặc có thể kéo dài hơn nữa.

dieu-tra-vu-khi-hoa-hoc.jpg
Nhóm điều tra vũ khí hóa học ở Syria của LHQ sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 19/8 (Ảnh: Reuters)

Nhóm điều tra, bao gồm các chuyên gia về vũ khí của Tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học, có kế hoạch đi thu thập các bằng chứng về việc liệu các bên tại Syria có sử dụng chất độc Sarin và các chất độc khác trong các cuộc giao tranh hay không.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, chi tiết của kế hoạch đang được thảo luận với chính phủ Syria. Một trong 3 địa điểm nhóm chuyên gia sẽ đến thăm là khu vực Khan al-Assal tại thành phố Aleppo - nơi chính phủ Syria cho rằng các nhóm vũ trang đã sử dụng vũ khí hóa học trong tháng 3 vừa qua. Hai địa điểm còn lại được giữ bí mật vì lý do an toàn.

Cùng ngày, Nga đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Liên Hợp Quốc và Damascus gửi chuyên gia tới điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nêu rõ: "Moscow hoan nghênh thỏa thuận đạt được để bắt đầu công việc của nhóm các thanh tra viên quốc tế ở Syria. Thỏa thuận đạt được dù có muộn, nhưng sẽ góp phần mở đường cho một cuộc điều tra toàn diện và khách quan cho các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria".

Về phần mình, phía Syria cho biết đã sẵn sàng để cấp phé cho nhóm nghiên cứu của Liên Hợp Quốc tới Khan al-Assal.  Liên Hợp Quốc cho biết họ muốn điều tra các địa điểm bị cáo cuộc tấn công khác, trong đó có Homs ở phía tây Syria, nơi lực lượng nổi dậy cáo buộc quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.

Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đều cáo buộc lẫn nhau có sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua. Trong một báo cáo đưa ra tháng 6 vừa qua, Mỹ tuyên bố chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào các nhóm vũ trang.

Theo Tổ chức An ninh toàn cầu (Global Security.org), Syria đang nắm giữ kho vũ khí hóa học lớn bao gồm VX, Sarin và Tabun, các chất độc ảnh hưởng tới thần kinh từ trước khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ. Damascus không tham gia ký kết Công ước vũ khí hóa học.

Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, ít nhất 100.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra giữa lực lượng chính phủ Syria và quân nổi dậy tháng 3/2011./.