Ngày 25/8, Liên Hợp Quốc cho biết đang tập trung đối phó với tình trạng bùng phát dịch Ebola tại khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, công tác này đang gặp thách thức do hoạt động chuyên chở bằng đường không đến và đi tới các quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Các lệnh hạn chế bay đã cản trở các tổ chức nhân đạo quốc tế triển khai nhân sự tới hỗ trợ các quốc gia Tây Phi kiểm soát dịch.

airport_ebola_xpxn.jpgCông tác phòng dịch Ebola ở sân bay Lagos, Nigeria (Ảnh Vanguard)

Tổng thư ký tổ chức Y tế Thế giới phụ trách an ninh y tế toàn cầu Keiji Fukunda cho biết, việc một số nước hạn chế hay cấm các chuyến bay xuất phát hoặc quá cảnh tại các nước bùng phát dịch ở Tây Phi là hành động không được cho phép. Biện pháp này không phải là lựa chọn tối ưu nhằm ngăn chặn virus Ebola lây lan.

“Chúng tôi không ủng hộ lệnh cấm đối với đi lại hàng không, không ủng hộ việc ngừng các chuyến bay tới Sierra Leone tới Liberia hay bất cứ nước nào bị ảnh hưởng”, ông Fukunda nói. “Những người bị nhiễm Ebola không nên đi lại bằng đường hàng không, những người có tiếp xúc với người bệnh cần phải được kiểm tra y tế để đảm bảo họ không làm lây lan dịch bệnh. Nhưng rõ ràng là không nên có lệnh cấm hàng không”.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan điều phối ứng phó dịch Ebola của Liên Hợp Quốc David Nabarro cho biết, thế giới có thể mất ít nhất 6 tháng nữa mới có thể kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm này. Những nỗ lực đối phó Ebola thực sự là một cuộc chiến cần sự phối hợp của tất cả mọi người, một cách hiệu quả và tích cực.

Ông Nabarro cho biết đang tiến hành tham vấn với các cơ quan hàng không quốc tế bao gồm Hiệp hội giao thông vận tải quốc tế (IATA), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm tìm kiếm biện pháp khôi phục các chuyến bay tới khu vực Tây Phi.

“Quyết định của một số hãng hàng không về việc ngừng các chuyến bay tới vùng dịch như Freetown, Monrovia hay Conakry đã có những tác động lớn, và và khả năng vận chuyển hàng hóa cho khu vực bị ảnh hưởng”, ông Nabarro nói. “Chúng tôi có thể hiểu được vì sao họ quyết định như vậy, nhưng chính điều đó lại khiến công tác đối phó dịch bệnh trở nên khó khăn hơn”.

 Hiện một số nước Tây Phi như Gabon, Senegal, Cameroon, Nam Phi và Rwanda đã ban bố lệnh cấm đi lại tới các quốc gia bùng phát dịch. Riêng Rwanda, Bộ Y tế nước này khuyến cáo mọi hành khách đến từ Guinea, Liberia và Sierra Leone hoặc bất cứ người nào du lịch tới các nước này trong vòng 22 ngày qua không được nhập cảnh Rwanda qua bất cứ con đường nào.

Mọi trường hợp có dấu hiệu nhiễm Ebola cũng không được phép vào nước này. Tuyên bố được Rwanda đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Cộng hòa Dân chủ Congo đã xác nhận 2 trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ở nước này, làm gia tăng quan ngại dịch bệnh này tiếp tục lan sang các quốc gia khác của châu Phi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, kể từ khi dịch Ebola bùng phát hồi đầu tháng 3, đã có tổng cộng 1.427 trường hợp tử vong do virus Ebola và hơn 2.600 ca nhiễm tại 4 nước Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.

Cho đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa loại virus có tỷ lệ gây tử vong lên tới 90% này./.