Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện Malaysia, Chủ tịch AIPA; lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch ASEAN-28, 29 và Chủ tịch Quốc hội Lào, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm Trưởng đoàn đã tham dự Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA - ASEAN nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 28, 29 tại Vientiane từ ngày 5-6/9/2016.

aipa_vov_1_mueq.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN.

Trong bối cảnh ASEAN đang tích cực và khẩn trương thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhằm mục tiêu thành lập một ASEAN năng động, thịnh vượng, hòa bình, ổn định và hội nhập được phản ánh trong chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28, 29 “Biến tầm nhìn thành Hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”. Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN lần này có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh cam kết của AIPA ủng hộ ASEAN, phản ánh được tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch AIPA, với sự đóng góp của các Nghị viện thành viên đã phản ánh đầy đủ các vấn đề quan tâm chung của ASEAN, phù hợp với các văn kiện của ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng AMM-49 vừa qua tại Lào. Dự thảo này cũng thể hiện được mối quan tâm của ASEAN thúc đẩy quan hệ với AIPA, vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển.

Tại Cuộc gặp với các Lãnh đạo ASEAN, Chủ tịch Hạ viện Malaysia thay mặt các Trưởng đoàn Đại biểu Nghị viện AIPA đã trình bày Tuyên bố của AIPA đối với việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột. Về chính trị, an ninh, AIPA thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề an ninh hàng hải và ủng hộ các nỗ lực duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không đối với vấn đề Biển Đông; đề nghị tăng cường tin cậy tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế thực hiện các hoạt động và tránh những hành động có thể gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, đề nghị khẩn trương thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Ngoài ra, AIPA nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực chống khủng bố,  hợp tác thông tin tình báo, thúc đẩy văn hóa đối thoại nhằm phi cực đoan hóa đối với các nhóm tôn giáo cực đoan; bày tỏ quan ngại về nạn đánh bắt cá trái phép, vấn nạn buôn lậu gỗ và động vật hoang dã trong khu vực.

Về kinh tế, AIPA thúc đẩy các quốc gia nội luật hóa đầy đủ các Thỏa thuận ASEAN, hướng tới thực hiện Tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế AEC, nỗ lực đảm bảo lợi ích cho các tầng lớp nhân dân ở cấp cơ sở, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). AIPA khuyến nghị ASEAN cần phải chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các vấn đề như Liên minh Châu Âu đã gặp phải. Trong tiến trình xây dựng một thị trường thống nhất, tự do dịch chuyển lao động trong ASEAN, cần phải tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường năng lực của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và Khuôn khổ Phát triển Kinh tế công bằng ASEAN.

Về văn hóa, xã hội, AIPA thừa nhận tầm quan trọng của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) và cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai cụ thể các công việc phù hợp với Kế hoạch tổng thể năm 2025 của cộng đồng này. AIPA khuyến nghị cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về ASEAN; khuyến khích việc sử dụng thường xuyên hơn biểu tượng của ASEAN, các chủ đề và lễ kỷ niệm như Ngày ASEAN và Bài ca ASEAN để tăng cường ý thức về bản sắc ASEAN. AIPA nhấn mạnh ý nghĩa của các nỗ lực, hành động của ASEAN nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư trong ASEAN; thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề nhằm phát triển của lực lượng lao động có tay nghề trong khu vực; tiếp tục góp phần vào phát triển bền vững và xóa đói nghèo ở tất cả các nước.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Cộng đồng ASEAN (1967-2017), AIPA khẳng định sẵn sàng hợp tác với ASEAN, đóng góp vào duy trì hòa bình, tiến bộ kinh tế và phát triển xã hội. AIPA đề nghị tăng cường phối hợp hành động giữa AIPA-ASEAN, thông qua Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM), cơ chế phối hợp hành động giữa Ban Thư ký AIPA và Ban Thư ký ASEAN, qua đó góp phần duy trì vị trí trung tâm của ASEAN trong đối phó với các thách thức, đảm bảo lợi ích chung phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Tại Cuộc gặp Lãnh đạo AIPA-ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Quốc hội và các Nghị sỹ thành viên AIPA trong tiến trình liên kết khu vực của ASEAN, nhất là hỗ trợ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2025 nhất là hiện thực hóa hai mục tiêu lớn là xây dựng Cộng Đồng ASEAN “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm” và “hoạt động theo luật lệ”. Thủ tướng cũng đề nghị AIPA hỗ trợ đẩy nhanh việc thông qua và thực hiện các văn kiện pháp lý và thỏa thuận của ASEAN; Quốc hội các nước thành viên và AIPA phát huy vai trò cùng với các Chính phủ trong việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội luật phù hợp; Đề nghị AIPA và Quốc hội thành viên AIPA đóng vai trò cầu nối với Chính phủ góp phần đảm bảo các chính sách, chương trình hợp tác của ASEAN đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân và tăng cường phối hợp hành động giữa kênh hành pháp và lập pháp, nâng cao hiệu quả của bộ máy lề lối hoạt động của ASEAN, tránh hình thức và chồng chéo.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đã đến chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathothu, gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Bounpon Buttanavong. Bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã gặp Trưởng đoàn Quốc hội các nước Campuchia, Thái Lan, Phillippines./.