Ngày 26/11 là ngày thứ 3 nước Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn sau khi một tòa án của nước này quyết định không truy tố viên cảnh sát da trắng, người đã bắn chết một thành niên da màu tại Ferguson, Missouri hồi đầu tháng 8/2014. Làn sóng giận dữ từ vụ việc này không chỉ bùng phát tại Ferguson mà đã lan sang nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, thậm chí vượt ra ngoài lãnh thổ nước này. 

33795050_7458_11e4_97b7_a36d4db05798_ap110562575219_gxqg_pzmd.jpgNhiều thanh niên quá khích đập của xe cảnh sát tại St.Louis (Ảnh AP)

Vụ án mạng tại Ferguson xảy ra hôm 9/8 vừa qua đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn với 21.000 dân, chủ yếu là người da màu này, mà còn tại nhiều thành phố khác của nước Mỹ, để phản đối tình trạng cảnh sát da trắng thường có những hành vi phân biệt đối xử dẫn tới cái chết của những người thuộc các sắc tộc thiểu số.

Vụ việc đã đẩy nước Mỹ rơi vào những ngày bất ổn nghiêm trọng khi các cuộc biểu tình lan rộng từ Boston, New York, Los Angeles, đến Danlas, Atlanta và nhiều thành phố khác. Người biểu tình tuần hành qua các đường phố mang theo khẩu hiệu như “Công lý cho Michael Brown”. Họ tràn vào các đường cao tốc lớn gây tắc nghẽn giao thông.

Một người biểu tình nói: “Mọi người đều rất tức giận và thất vọng. Chúng tôi tin rằng, cảnh sát Darren Wilson cần phải bị truy tố và cần phải mang lại công lý cho cái chết của Michael Brown. Nếu viên cảnh sát này không bị truy tố, chúng tôi sẽ không từ bỏ các cuộc biểu tình, buộc Bộ tư pháp phải buộc tội Darren Wilson, đưa ông ta ra trước công lý về tội giết người”.

Ngày 26/11, cảnh sát đã bắt giữ 400 người trong các vụ biểu tình trên khắp cả nước. Trong khi đó, tại Ferguson, thành phố có nhiều người da đen sinh sống, đã trải qua 2 đêm bạo loạn, cướp bóc và đốt phá, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Chính quyền thành phố đã phải tăng cường sự hiện diện an ninh nhằm trấn áp bạo lực. Khoảng 2.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia đã được triển khai đến khu vực St. Louis để hỗ trợ lực lượng cảnh sát.

Ông Jon Belmar, cảnh sát trưởng tại hạt St. Louis cho biết: “Tôi hay bất kỳ cảnh sát nào ở đây thực sự không thể hình dung được tình hình lại nghiêm trọng như thế này. Tôi cho rằng sự việc như thế này rất ít khi xảy ra ở nước Mỹ. Tuy nhiên, tình hình ở Ferguson đang được kiểm soát tốt hơn. Chúng tôi không thấy có vụ đốt phá nào nữa”.

Làn sóng giận dữ về quyết định của tòa án không truy tố cảnh sát Darren Wilson thậm chí đã vượt khỏi lãnh thổ nước Mỹ, lan sang Anh. Ngày 26/11, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh và đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô London nhằm lên án quyết định của tòa án Mỹ.

Trước tình hình bất ổn ngày một lan rộng, Tổng thống Mỹ Obama đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và cử các nhóm thuộc Bộ An ninh Nội địa và Cục điều tra liên bang Mỹ tới điều tra về vụ việc. Cái chết của thanh niên da màu dưới họng súng cảnh sát cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trên toàn nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, khiến Bộ Tư pháp phải vào cuộc điều tra Sở Cảnh sát Ferguson./