>> Làn sóng đình công ở Pháp dâng cao / Bãi công, biểu tình ở Pháp gây thiệt hại nặng về kinh tế / Làn sóng bãi công lan rộng ở Pháp và Anh

Hưởng ứng phát động của các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp, ngày 23/11, người lao động nước này một lần nữa đồng loạt bãi công và xuống đường biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí do chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đề ra.

Bãi công và biểu tình đặc biệt diễn ra rầm rộ tại thủ đô Paris và các thành phố lớn như Lyon, Bordeaux, Toulouse, Marseille, Lille.

Đây là đợt bãi công, biểu tình mới nhất do các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp tổ chức nhằm phản đối dự luật mới do chính phủ đề xướng và đã được Quốc hội thông qua mới đây về cải cách chế độ hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Điều khoản khoản gây tranh cãi nhất trong dự luật này là quy định từ nay đến năm 2018, tuổi nghỉ hưu tối thiểu của người lao động Pháp sẽ nâng lên 62 tuổi so với quy định hiện hành là 60 tuổi. Chính phủ Pháp coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia ngày càng tăng đang đe dọa nền kinh tế và để tránh nguy cơ hệ thống trợ cấp hưu trí bị sụp đổ. Song kế hoạch không được người lao động ở Pháp ủng hộ vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của họ.

Phát biểu tại cuộc biểu tình ở Paris, Tổng Thư ký Tổng liên đoàn lao động CGT (tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp) Bernard Thibault cho biết mục tiêu của cuộc đấu tranh là nhằm ngăn cản việc thực thi luật cải cách gây tranh cãi nói trên. Nhà lãnh đạo công đoàn Pháp kêu gọi tiến hành các cuộc thương lượng giữa chính phủ với đại diện của người lao động xung quanh chương trình cải cách hưu trí cho dù dự luật liên quan đến vấn đề này đã được Quốc hội thông qua và đã được Tổng thống ký phê chuẩn ban hành thành luật.

Cùng ngày 23/11, người lao động trong khu vực công cũng như tư nhân ở Bồ Đào Nha đã hưởng ứng cuộc tổng bãi công do các công đoàn lớn ở nước này phát động phản đối kế hoạch kinh tế "khắc khổ" do chính phủ đề xướng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1988 người lao động trong khu vực công và tư nhân ở Bồ Đào Nha cùng tham gia bãi công biểu tình. Bãi công đã làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế và xã hội ở Bồ Đào Nha. Nhiều ngân hàng và cơ quan báo chí đã ngừng hoạt động. Hoạt động sản xuất và cung cấp nhiên liệu tại nhiều địa phương bị gián đoạn hoặc tê liệt. Hơn 500 chuyến bay tại các sân bay trong cả nước đã bị hủy, nhiều hải cảng cũng bị tê liệt do bãi công của người lao động.

Đợt bãi công này diễn ra 3 ngày khi Quốc hội Bồ Đào Nha thông qua một ngân sách cắt giảm mạnh chưa từng thấy nhằm giảm thâm hụt ngân sách từ mức 7,3% GDP năm nay xuống 4,6% vào năm 2011. Người lao động lo ngại việc cắt giảm mạnh ngân sách sẽ dẫn tới cắt giảm lương, tăng thuế và giảm các khoản trợ cấp xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vốn đang khó khăn của người lao động./.