Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm do Mỹ gửi tới cũng có thể tiến hành các chiến dịch đơn phương trên lãnh thổ Syria. Bước đi này không chỉ báo hiệu sự leo thang của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, mà còn đánh dấu sự trở lại của bộ binh Mỹ sau hơn 4 năm rút khỏi Iraq.

Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban quân lực thuộc Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, đây là “một lực lượng mũi nhọn”, có thể độc lập thực hiện các chiến dịch tấn công, giải cứu con tin, thu thập tin tức tình báo và đột kích bắt giữ các thủ lĩnh IS vào bất kỳ thời điểm nào tại Iraq, cũng như bên trong lãnh thổ Syria. 

2_1221_aeum_jlpd.jpg
Bộ binh Mỹ sẽ trở lại Iraq lần đầu tiên sau 4 năm. (ảnh: AP).

Ông Ashton Carter cũng nhấn mạnh, lực lượng này được triển khai theo đề nghị của chính quyền Iraq, nên cũng có nhiệm vụ bảo vệ các đường biên giới của Iraq và xây dựng năng lực cho các lực lượng an ninh Iraq.

“Cùng với việc phối hợp đầy đủ và chặt chẽ với chính phủ Iraq, chúng tôi đang triển khai một lực lượng đặc biệt nhằm hỗ trợ chính quyền Iraq và các lực lượng người Kurd gia tăng sức ép với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng”, ông Carter nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng thông báo sẽ triển khai khoảng 50 lính đặc nhiệm tới Syria. Theo Chính phủ Mỹ, quyết định không có nghĩa là Mỹ thay đổi chiến lược chống IS và cũng không phải là một bước đi leo thang các hoạt động tác chiến trên bộ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này. Nó thể hiện cam kết của Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống IS, đặc biệt sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris của Pháp đêm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ không khiến nhiều người ngạc nhiên bởi có tới 63% người dân Mỹ tin rằng việc triển khai bộ binh là điều không tránh khỏi, nhưng cũng lại có tới 2/3 số người Mỹ tin rằng, Tổng thống Obama không có chiến lược nhất quán và chặt chẽ trong việc chiến đấu chống lại IS.

Theo các nhà phân tích, bước đi này đã chứng minh quyết tâm của Mỹ tăng cường cuộc chiến chống IS sau hơn 14 tháng phát động chiến dịch. Song mặt khác, nó cũng khiến không ít người hoài nghi nguyên tắc, mà Tổng thống Barack Obama lâu nay vẫn bảo vệ, đó là nói không với việc triển khai bộ binh.

Thậm chí, cho tới tận thời điểm này, Mỹ vẫn tuyên bố ưu tiên cho lựa chọn không kích chống IS khi đồng thời quyết định gửi khoảng 3.500 cố vấn quân sự và huấn luyện tới Iraq nhằm tránh các vụ đụng độ trên mặt đất.

Trong một phản ứng đầu tiên trước những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi đã ra thông cáo phản đối quyết định của Mỹ. Theo ông Haidar al-Abadi, Iraq không cần bộ binh nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh, mọi hoạt động quân sự hay điều động lực lượng nước ngoài, bao gồm cả lính đặc nhiệm, sẽ không được tiến hành nếu không có sự chấp thuận, điều phối của Iraq.

Ngoài ra, các hoạt động này phải hoàn toàn tuân thủ chủ quyền của Iraq. Trong khi đó, các lực lượng dân quân người Shiite tại Iraq cũng lên tiếng phản đối ý định của Mỹ triển khai bộ binh tại Iraq và tuyên bố sẽ tấn công lực lượng này./.