Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đưa tin, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 ở Thủ đô Myanmar vào ngày 11/5, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kêu gọi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục thúc đẩy “sự thống nhất và đoàn kết” trong bối cảnh căng thẳng mới với Trung Quốc trên Biển Đông đang gia tăng. Các nhà lãnh đạo ASEAN nói rằng đây là cách duy nhất để khối khu vực có thể trở thành một tổ chức “đáng tin cậy”.  
thu-tuong12-ng.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam tại hội nghị

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên do Myanmar chủ trì kể từ khi nước này gia nhập khối ASEAN năm 1997. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ sự quan ngại về tính đoàn kết trong khối khi đối mặt với những động thái gia tăng sức ép từ phía Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Hãng tin Kyodo cho biết, tại Hội nghị, Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono đã nhấn mạnh các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải bày tỏ và thể hiện sự cổ vũ, ủng hộ kịp thời trong bối cảnh hiện tại.

Nguồn tin trên trích lời Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak rằng ASEAN nên hành động có chừng mực và phù hợp.

Nhà lãnh đạo Malaysia cũng tuyên bố các nước tranh chấp cần “tuân thủ và thực hiện theo đúng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” mà ASEAN và Trung Quốc đã ký vào năm 2002.

Nguồn tin của Kyodo nói: “Nhà lãnh đạo của Malaysia đã thể hiện sự quan tâm đến thời cuộc dựa trên tinh thần đoàn kết của khối ASEAN”.

Ông Najib cho biết thêm, nước này luôn ủng hộ tinh thần đoàn kết của khối ASEAN ngay cả trong những tình huống khó khăn như tranh chấp ở Biển Đông mà một vài nước ở trong khối có liên quan đến.

Trong buổi họp ASEAN ngày 11/5, Kyodo cũng đã trích lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo với các nhà lãnh đạo các nước về hành động của Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương- 981 cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Thậm chí, các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã lên án mạnh mẽ những hành động ngang ngược vừa qua của Trung Quốc và kêu gọi ASEAN cần tăng cường phát huy vai trò chủ đạonhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, cũng như ứng phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra.

Trong Tuyên bố Nay Pyi Taw Hội nghị cấp cao ASEAN 24, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục thúc giục Trung Quốc tránh những hành động có thể làm tổn hại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khẳng định lại việc cần thiết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tránh dùng đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong việc khẳng định chủ quyền trên biển.

Trong tuyên bố về Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các nhà lãnh đạo một lần nữa kêu gọi tất cả các bên “tăng cường hợp tác đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)”.

ASEAN cũng kêu gọi các bên tranh chấp “kiềm chế và không sử dụng vũ lực cũng như tránh các hành động gây nên sự leo thang căng thẳng” trong khu vực.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý của COC.

ASEAN 24 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang có tranh chấp và Việt Nam./.